Xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ tăng cao "hậu" TPP

17:36' - 29/10/2015
BNEWS Các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ có nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào các nước trong TPP và Hoa Kỳ này với thuế suất hứa hẹn về 0%.
Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định (Tập đoàn Dệt May Việt Nam). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo dự báo của giới chuyên gia thương mại, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán hồi đầu tháng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhất là các mặt hàng thế mạnh sẽ tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như hàm lượng xuất xứ hàng hóa để có thể tận dụng được tốt nhất những ưu đãi mà TPP có thể mang lại.

Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện có hơn 60% hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản - hai thị trường chủ chốt trong đàm phán TPP với thuế suất trung bình trên 17%.

Sau khi TPP được kí kết, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ có nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào các nước này với thuế suất hứa hẹn về 0%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh để vượt qua được những yêu cầu của Hiệp định và những rào cản kĩ thật mà các nước này đang dựng lên để bảo vệ sản xuất của các ngành hàng tương ứng.

Tại báo cáo mới nhất của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng nêu rõ, hiện Việt Nam đang đứng ở thứ 2 về xuất khẩu dệt may vào thị trường Hoa Kỳ với mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2014 là 12,3%. Đáng chú ý, trong khi các nước xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ (kể cả Trung Quốc) đều tăng trưởng âm thì riêng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây.

Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất dệt may xuất khẩu đi Hoa Kỳ từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đang ngày càng gia tăng. Sở dĩ có tình trạng này bởi Việt Nam đang có lợi thế về chi phí hơn so với Trung Quốc và uy tín của hàng hóa Việt Nam cũng cao hơn.

Không chỉ riêng với ngành dệt may, doanh nghiệp da giày cũng đang nhập cuộc nhằm cải thiện lại tình trạng “thoi thóp nằm thở” như thời gian qua. Đón đầu cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để hạn chế tối đa phụ thuộc nhập khẩu.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư sản xuất nhằm thoát việc quanh năm chỉ gia công xuất khẩu lấy công làm lãi, ông Nguyễn Chí Trung - Tổng giám đốc Công ty Giày Gia Định cho hay: Mới đây công ty đã đầu tư, đưa vào khai thác cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu tại tỉnh Bình Dương.

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt trên 60%, không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn cung cấp một phần nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp khác khác. Không những thế, nhờ vào chiến lược mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ bằng hoạt động tiếp thị, tìm kiếm khách hàng mà năm nay doanh thu của công ty có thể tăng trưởng từ 15-20% so với năm ngoái, trong đó 70% xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Cùng quan điểm trên, đại diện Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh cũng chia sẻ, sắp tới công ty sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên TPP, trong đó tập trung vào thị trường Hoa Kỳ.

Để giải quyết bài toán cho nguồn nguyên liệu chuẩn khi vào thị trường này, công ty phải nhập khẩu khẩu len từ Woolmark - một doanh nghiệp phi lợi nhuận, thuộc sở hữu của hơn 25.000 nhà nuôi cừu tại Australia. Song song đó, công ty còn bắt tay cùng Woolmark sản xuất khăn choàng len cho thị trường Australia vào năm 2016.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, để tạo đột phá nhất là với việc thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, rất cần Chính phủ sớm ban hành nghị định về công nghiệp phụ trợ.

Mặt khác, về phía doanh nghiệp cần khắc phục nhược điểm về chất lượng nhân lực, nâng cao năng suất lao động; áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; tiếp tục chuyển dịch sản xuất về khu vực nông thôn...

Vụ Thị trường Châu Mỹ Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp muốn tận dụng tốt cơ hội này phải tăng cường sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước, trong ngành với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhằm tận dụng thành phẩm. Chỉ như vậy, doanh nghiệp Việt mới đáp ứng xuất xứ và hưởng lợi từ TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, thương vụ tại thị trường nước này có thể cập nhật thông tin nhanh và tin cậy. Đồng thời, góp phần tái cơ cấu thị trường của doanh nghiệp, tránh lệ thuộc quá nhiều vào những thị trường truyền thống cũng như có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo hàm lượng xuất xứ để có thể hưởng các ưu đãi từ TPP mang lại./.

Uyên Hương/Bnews/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục