Xuất khẩu tôm tăng, nhưng không ít nỗi lo

19:54' - 03/08/2016
BNEWS VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2016 đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, ngành tôm vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức nhất định cần phải tháo gỡ.
Xuất khẩu tôm tăng, nhưng không ít nỗi lo. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Đó là thông tin tại hội thảo "Ngành tôm Việt Nam trước những thách thức mới" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh chiều 3/8.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Vasep.Pro, trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam có sự tăng trưởng nhẹ, đạt kim ngạch trên 1,35 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hầu hết ở các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam gồm Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có sự phục hồi, trừ thị trường Nhật Bản giảm 8,8%.

Xuất khẩu có tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu từ các thị trường tăng và giá tôm thế giới có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, việc tôm Ấn Độ chịu thuế chống bán phá giá cao ở thị trường Hoa Kỳ, tôm Thái Lan bị mất uy tín và lợi thế từ TPP đã thúc đẩy ngành tôm tăng trưởng trong những tháng đầu năm.

Mặc dù xuất khẩu tăng, nhưng ngành tôm vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn. Theo bà Lê Hằng, do giá thành sản xuất cao khiến giá tôm Việt Nam đang cao hơn 20% so với các đối thủ khác.

Cụ thể, giá nhập khẩu trung bình vào thị trường Hoa Kỳ của tôm Việt Nam là 11,2 USD/kg, trong khi tôm Trung Quốc chỉ có mức giá 6,7 USD/kg và Ấn Độ cao hơn cũng chỉ 10,8 USD/kg.

Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến nhiều nhà máy thiếu hụt tôm nguyên liệu để chế biến. Trong những tháng đầu năm, các nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất chế biến và phải bù đắp bằng việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, thực sự trong ngành tôm hiện nay không ai có lãi, kể cả người sản xuất tôm giống, người nuôi tôm thịt hay doanh nghiệp chế biến… cũng đang bị lỗ. Ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, ngành tôm cũng đang trong tình trạng tương tự.

“Tại sao lại như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, vì cung lúc nào cũng vượt cầu. Bây giờ nhu cầu của thị trường hàng năm chỉ tăng khoảng 1-3%, nhưng nguồn cung tăng 10% nên giá giảm. Cứ 1% nguồn cung tăng thì có khoảng 4,5-5% giá giảm. Như vậy, nếu tăng cung lên khoảng 5% thì giá đã giảm 25%”, ông Lê Văn Quang nói.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Hải, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN

Lý giải vì sao ngành tôm Việt Nam lại phải đối mặt với sự bất ổn, giá thành cao và tính cạnh tranh kém, ông Lê Văn Quang cho rằng, nếu xem xét lại tất cả các khâu của quá trình sản xuất tôm của Việt Nam từ khâu quy hoạch vùng nuôi, con giống cho đến thu hoạch, bảo quản và chế biến xuất khẩu thì đều bộc lộ những yếu điểm, thách thức rất lớn.

Theo ông Lê Văn Quang, quy hoạch vùng nuôi hiện nay rất yếu, kém và có thể nói là chưa có quy hoạch các vùng nuôi tôm mà chỉ mang tính tự phát của các hộ nuôi. Hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm đầu tư rất kém, không có kênh thoát riêng mà đa số cùng thoát ra một kênh nên người thì lấy nước vào nuôi, người lại xả nước ra từ chính con kênh đó.

Đặc biệt, ngành tôm của Việt Nam không được quy hoạch theo các vùng nuôi lớn (như cánh đồng mẫu lớn) cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất mà chỉ có các diện tích nuôi nhỏ lẻ. Điều này khiến dịch bệnh lây nhiễm tràn lan, tỷ lệ nuôi thành công chỉ dưới 30% và làm giá thành con tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới trên 20%.

Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, vấn đề thu hoạch, bảo quản, khi thu hoạch tôm đang có rất nhiều vấn đề mà nếu không quản lý chặt chẽ thì ngành tôm Việt Nam có nguy cơ mất dần thị phần trên thị trường thế giới. 

Để ứng phó với tình trạng này, một số đại biểu cho rằng, ngành tôm Việt Nam và các nước phải cùng liên kết với nhau lại, chỉ sản xuất ở mức cung đủ so với nhu cầu, nếu không tất cả lại đều bị thua lỗ trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, Nhà nước và các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có những giải pháp đồng bộ để ngành tôm phát triển bền vững hơn cũng như nâng cao tính cạnh tranh của ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng./.

>>> Chiến thắng trong vụ kiện tôm sẽ thúc đẩy dòng hàng hóa Việt Nam sang Mỹ

>>> Hậu Brexit: Xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục