Xuất khẩu trực tuyến thông qua thương mại điện tử

17:04' - 20/10/2016
BNEWS Hiện nay, một trong những "chìa khóa" để tăng trưởng xuất khẩu là xuất khẩu trực tuyến thông qua ứng dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ từ thương mại điện tử.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Giải pháp liên kết thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20/10.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, từ đầu năm 2016 đến nay tình hình kinh tế diễn biến phức tạp và biến động, nên nhiều quốc gia cũng như doanh nghiệp khó có thể duy trì kế hoạch hoạt động; trong đó có xuất khẩu.

Đơn cử, những mặt hàng khoáng sản, kim loại, nông sản... trên thị trường quốc có xu hướng giảm giá trong thời gian dài.

Dự kiến tăng trưởng xuất nhập khẩu của cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam trong năm 2016 sẽ "bò ngang".

Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp cần tìm hướng đi mới để liên kết thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới.

Đánh giá hoạt động xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu là một trong nhưng nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.

Theo đó, ngành công thương nói chung và Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đang được chú trọng phát triển và ứng dụng các công cụ của lĩnh vực thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu để tăng cường xuất khẩu trực tuyến.

Theo kết quả khảo sát trên 800 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương công bố vào tháng 3/2016, số lượng doanh nghiệp lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 52%; doanh nghiệp nhỏ và vừa là 36%.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, các doanh nghiệp có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử đạt được hiệu quả sản xuất khẩu cao với 42% doanh nghiệp có tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%.

Đồng thời, tỷ lệ tranh chấp khi sử dụng hợp đồng điện tử rất thấp, chỉ khoảng 8%.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, cho biết, ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử mang lại hiệu quả về mặt chi phí và rất phù hợp với tiềm lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử không mất nhiều chi phí đầu tư, phân phối qua trung gian, chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng kinh doanh.

Đồng quan điểm, các chuyên gia cho rằng, tại các quốc gia đang phát triển hoặc có thế mạnh về xuất khẩu, xu hướng xuất khẩu trực tuyến đang là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp.

Mặt khác, đây cũng là xu hướng tất yếu khi các nhà nhập khẩu, người mua hàng trên thế giới ngày càng ưu tiên lựa chọn giải pháp tìm kiếm bạn hàng thông qua internet.

Theo các chuyên gia, những thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... có tỷ lệ sử dụng internet rất cao, nên nếu doanh nghiệp khai thác và ứng dụng phổ biến lĩnh vực thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu sẽ tăng thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục