Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số: Doanh nghiệp Việt còn e ngại gì?

18:13' - 02/11/2017
BNEWS Nhằm góp phần thay đổi ngành xuất khẩu Việt Nam, Tập đoàn Novaon và Alibaba cùng khởi xướng “Chương trình 1.000 Doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong” vào đầu tháng 10 vừa qua.

Chương trình đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp quan tâm đăng ký chỉ sau 3 tuần.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu về xuất khẩu trực tuyến của các doanh nghiệp đã tham gia đăng ký, ngày 2/11, tại Hà Nội, Công ty Novaon và Alibaba tổ chức Hội thảo “Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số”.

Hội thảo “Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số”. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo các chuyên gia, mặc dù đã và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là xuất khẩu trực tuyến.
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam e ngại, chưa sử dụng dịch vụ này là do doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động này. Cụ thể là những vướng mắc liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, nhiều thủ tục mới cung cấp ở mức độ thấp…
Đại diện Novaon cho biết, Việt Nam đứng Top10 thế giới về tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tính trên GDP (ở mức 93,6% so với mức trung bình của thế giới là 30%) chỉ đứng sau một số quốc gia như Singapore, Malta, Ireland, … Điều này cho thấy vị trí then chốt của xuất khẩu đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ước tính chỉ 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết cách ứng dụng xuất khẩu trực tuyến để tạo ra đơn hàng. Song không thể phủ nhận những tiện ích mà xuất khẩu trực tuyến mang lại. Bởi đây là kênh cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Chính vì vậy, các chuyên gia trong ngành vẫn luôn khuyến khích doanh nghiệp nên tích cực tham gia giao dịch qua kênh này, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí khi giao dịch.
Chia sẻ về những lợi ích khi áp dụng xuất nhập khẩu trực tuyến, bà Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Kangaroo chia sẻ: “Là thành viên của Alibaba.com, chúng tôi nhận thấy rõ ràng hiệu quả mang lại từ xuất khẩu trực tuyến. Chúng tôi rất hào hứng với bộ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến được đưa ra trong chương trình này".
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định: “Tôi tin rằng sự kết hợp giữa bề dày kinh nghiệm của Novaon và sức mạnh của các nền tảng toàn cầu Google, LinkedIn, Alibaba sẽ đưa tới cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam một giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến hiệu quả cao. Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng hành để Chương trình 1000 doanh nghiệp xuất khẩu tiên phong thành công”.
Cùng quan điểm này, ôngTrần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam, Tập đoàn Alibaba cũng cho biết, với hơn 260 triệu thành viên tại 240 quốc gia trên thế giới, Alibaba.com là website B2B về xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Thông qua chương trình 1000 Doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ đây để sử dụng hiệu quả nền tảng toàn cầu số 1 về xuất nhập khẩu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Novaon Nguyễn Minh Quý cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong "Chương trình 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong” ứng dụng thành công giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến này tạo ra sự tăng trưởng đột phá.

Cùng với sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, các đơn vị truyền thông, điều này sẽ tạo ra sự lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thay đổi ngành xuất khẩu Việt Nam.

>>>Thanh toán trực tuyến qua mã QR đang có xu hướng bùng nổ

>>>Thương mại điện tử: Giao thoa giữa "ảo" và "thật"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục