Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU: Nắm vững quy định để tăng lợi thế cạnh tranh

12:45' - 26/04/2016
BNEWS Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển khẳng định: nắm chắc và đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn EU sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tương đối so với các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác.
Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU: Nắm vững quy định để tăng lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Điển và EU", do Bộ Công Thương phối hợp cùng Cục Thương mại quốc gia Thụy Điển và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức sáng 26/4, bà Camilla Mellander - Đại sứ Thụy Điển khẳng định: nắm chắc và đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn của EU sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tương đối so với các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác.

Cũng theo bà Camilla Mellander, Thụy Điển ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN.

Cùng với đó, trong một nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận nhiều cơ hội dựa trên quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi.

Hơn nữa, các nhà cung cấp, các nhà xuất khẩu của Việt Nam với thế mạnh và nguồn lực của mình có thể kết hợp với các đối tác Thụy Điển, những doanh nghiệp được biết đến với công nghệ cao và tư duy, năng lực đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những giải pháp tốt nhất, thực tiễn nhất đáp ứng cho thị trường đôi bên.

Bà Nesti Almufti, chuyên gia chính sách thương mại- Cục Thương mại quốc gia Thụy Điển cho biết, EU là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới với 27 quốc gia thành viên nên Việt Nam cũng có nhiều khả năng tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Các mặt hàng truyền thống (sử dụng nhiều lao động và tài nguyên) của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh cao ở EU.

Song điều này đồng nghĩa với việc phần lớn hàng hoá Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động trên thị trường thế giới.

Theo bà Nesti Almufti, khi doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển- EU cần nhìn nhận từ góc độ phía cầu - tức góc độ thị trường EU về sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như là phân khúc thị trường, dân số... Ở đây, điều rất quan trọng là nhận thức và khả năng thích ứng.

Tham gia xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, không buôn bán theo kiểu bán lẻ, bán sỉ mà phải thích ứng theo những tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tích cực tiếp cận thông tin, học hỏi những bài học quá khứ của các nước và của chính V iệt Nam qua đó doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, dần dần đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Không những thế, doanh nghiệp cần phải chấp nhận và nâng cao khả năng thích ứng với những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, những rào cản kỹ thuật khác của các thị trường văn minh.

Thay vì tư thế bị động như trước, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó ngay từ đầu để có thể kiểm soát được sản phẩm của mình.

Điều này sẽ tạo ra một quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Nesti Almufti cũng chỉ ra thực tế khi nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nắm rõ các quy định liên quan của EU, chưa coi trọng việc liên doanh liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, vai trò của Hiệp hội, mặc dù được nhiều doanh nghiệp đánh giá là rất quan trọng trong việc kiến nghị hoạch định và điều chỉnh chính sách ... nhưng trong hỗ trợ đào tạo thì doanh nghiệp chưa coi vai trò của Hiệp hội là quan trọng...

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu nhấn mạnh, hiện tại trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì EU được coi là một trong những đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt FTA trong việc xuất khẩu sang Thụy Điển-EU thì cộng đồng doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin hội nhập để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh.

"Việc này, đối với nhiều doanh nghiệp sẽ không phải là ngày một ngày hai bởi không có cong đường nào trải toàn thảm đỏ. Tuy nhiên, nếu không thay đổi để phù hợp với thị trường thì sẽ tự đào thải chính mình ra khỏi cuộc chơi", ông Quân nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục