Ý kiến chuyên gia về việc sửa thuế thu nhập doanh nghiệp

09:53' - 02/09/2017
BNEWS Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sửa thuế TNDN để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và đồng bộ với quy định của pháp luật liên quan.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (khoảng từ 97-98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.

Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức Thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết.

Năm 2016, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó có đề xuất quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất phổ thông theo 2 phương án.

Phương án 1 là doanh nghiệp nhỏ áp dụng thuế suất 17%; doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Trong đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ như đang nêu tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không áp dụng mức thuế suất 17% đối với doanh nghiệp vừa).

Phương án 2 là áp dụng một mức thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa như quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 nhưng nâng mức doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa từ không quá 20 tỷ đồng/năm tại Luật số 32/2013/QH13 hiện hành lên 50 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, để được áp dụng chính sách giảm Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa đều phải đáp ứng tiêu chí chung là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng một trong hai tiêu chí nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng).

Việc sử dụng tiêu chí lao động, vốn phân biệt theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa có bất cập khi đặt trong xu thế doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay.

Hơn nữa, việc sử dụng tiêu chí này cũng đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính nên không phản ánh đúng quy mô và hoạt động của doanh nghiệp vì vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có sự sai khác rất lớn so với số vốn doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh và trên thực tế không có ý nghĩa trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Trong khi sử dụng tiêu chí doanh thu lại có ưu điểm là phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn khi sử dụng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị định số 56, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác về quản lý thuế cho thấy, nếu lấy theo tiêu chí doanh thu thì cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế có sẵn (doanh thu thể hiện trên tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp) nên sẽ thuận lợi trong quản lý hơn khi lấy theo tiêu chí vốn.

Do đó, để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, Bộ Tài chính đề nghị quy định: doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.

Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo Luật quy định mức thuế suất 15% và 17% không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), những đề xuất này sẽ có tác động rất lớn tới các doanh nghiệp. Trước hết là tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế đương nhiên cùng sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển và trong đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù chúng ta giảm thuế suất.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Chiến, Học viện Tài chính cho rằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 17% theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đề xuất này còn có tác động quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động hiệu quả và có khả năng tăng trưởng nhanh sau khi thành lập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

>>> Nhiều vướng mắc trong khâu kê khai, truy thu và hoàn thuế giá trị gia tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục