Ý kiến trái chiều về tăng phí Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

16:11' - 23/03/2016
BNEWS Bình luận về việc tăng phí Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng việc tăng phí trên hai tuyến đường này là chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.
Trạm thu phí số 1 (Hưng Yên) trên Quốc lộ 5. Ảnh: Quang Toàn/Bnews/TTXVN

Việc điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện di chuyển trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 sẽ được thực hiện từ 0 giờ ngày 1/4. Theo đó, mức tăng phí sẽ được thực hiện đồng loạt trên cả 2 tuyến đường: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mức phí tăng thêm 25% và Quốc lộ 5 mức phí tăng thêm 50%. Đây thực sự là thông tin không lấy gì làm vui vẻ, thậm chí “sốc” cho người dân và doanh nghiệp khi thường xuyên phải đi trên hai con đường này. 

Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Việc VIDIFI thu phí trên cao tốc và cả Quốc lộ 5 để hoàn vốn đã được Thủ tướng quyết định từ năm 2007. Cao tốc này dài 105 km, hiện đại nhất Việt Nam (đạt một số tiêu chí của cao tốc quốc tế) với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Để có vốn làm đường, VIDIFI phải vay với lãi suất 10,5-11,4%. Theo phương án thu phí được duyệt (bao gồm việc tăng phí từ ngày 1/4 tới), phải đến 30 năm VIDIFI mới có thể hoàn vốn và có lãi (từ năm thứ 16, tiền thu phí mới vượt ngưỡng trả lãi). 

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: "Thu phí đường cao tốc để nâng cấp hệ thống giao thông, đi đường đẹp phải trả phí cao là chuyện đương nhiên và phải chấp nhận trong thời buổi kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, đề xuất để thu cho hợp lý, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và thu nhập của người dân". 

“Chúng tôi không phản đối tăng phí cao tốc, nhưng tăng làm sao và tăng bao nhiêu thì cần tính đến quyền lợi của doanh nghiệp. Bài toán của doanh nghiệp cuối cùng là chi phí, nếu tăng cao, doanh nghiệp không thể chịu được phí, họ sẽ chuyển sang đường cũ đi. Như vậy, tuyến đường đẹp, hàng nghìn tỷ đồng sẽ chỉ dành cho một số ít người, thậm chí sẽ trở thành món hàng "siêu sang" mà không ai dám dùng. Như vậy, nghèo vẫn hoàn nghèo và khó khăn càng khó thêm.” - ông Lê Văn Tiến nhấn mạnh. 

Về việc tăng phí Quốc lộ 5, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, không thể bắt người dân sử dụng dịch vụ khác để trả tiền cho một dịch vụ mà họ không được hưởng. Nếu có tăng, thì không nên tăng nhiều như vậy. Ngoài ra, chất lượng Quốc lộ 5 hiện tại chưa xứng đáng với mức phí mà người dân bỏ ra. 

Chia sẻ quan điểm về việc tăng phí Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, hai tuyến đường huyết mạch đều chịu sự quản lý của một đơn vị, tăng phí lại tăng một lúc cả hai con đường là chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Vận tải Hoàng Long (Hải Phòng) nhận xét, với mức phí tăng thêm, doanh nghiệp sẽ cần phải tiết giảm chi phí để hoạt động. Có thể nói việc tăng phí, tăng cước và tăng giá thành, cuối cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng là người chịu thiệt nhất. 

Ông Vũ Đức Hoàng tính toán, nếu tính mức tăng 25% của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và mức tăng 50% của Quốc lộ 5, sử dụng Quốc lộ 5 vẫn lợi hơn vì chiều dài hai tuyến đường tương đương nhau, chỉ khác là đi đường cao tốc nhanh hơn, đường đẹp hơn và điều này có ý nghĩa lớn đối với hãng xe khách. Còn đối với xe container, việc đi đường cao tốc, phải đi nhanh, tiêu hao dầu lớn, phí cao hơn Quốc lộ 5. 

Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải cho biết: “Doanh nghiệp hiện có 80 đầu xe chạy cả tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5. Tính bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp phải chi trả tới 800 triệu đồng tiền phí cầu đường. Ngày thường, các xe của công ty đang chạy trên tuyến đường này lỗ bởi khách ít, không bù đủ chi phí, chỉ những ngày cuối tuần, lễ, Tết thì mới có lãi. Ngoài các chi phí nhiên liệu, nhân công, khấu hao xe, nếu mức phí tăng thêm thì doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản tiền khá lớn và sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp và hành khách". 

Để giải quyết khó khăn trong thời gian tới, ông Khúc Hữu Hải cho hay, doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại biểu đồ lượt xe chạy trên tuyến cao tốc cho hợp lý. Nếu lỗ sẽ giảm tần suất, đồng thời điều chỉnh cho xe chạy lại theo tuyến Quốc 5 để giảm bớt chi phí. 

Còn theo ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông ủng hộ việc nâng cấp đầu tư hạ tầng nhưng phải phù hợp với thu nhập của người dân.

"Nếu đưa ra nhiều trạm BOT quá, rồi các trạm lại lần lượt tăng phí theo lộ trình thì người dân sẽ “ngạt thở” vì các loại phí" - ông Liên nêu ý kiến. 

“Chúng tôi rất thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp vận tải nên đã cố gắng hết sức để xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao để thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng cải tạo Quốc lộ 5 và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn không thể hỗ trợ thêm cho Dự án nên việc tăng phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 là không thể không thực hiện” - ông Đào Văn Chiến , Chủ tịch VIDIFI bày tỏ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục