"Ám ảnh" những tuyến đường hư hỏng nặng tại Gia Lai

12:13' - 05/12/2018
BNEWS Nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng tại Gia Lai đang là nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất nhiều tuyến đường đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến quá trình lưu thông của các phương tiện qua lại mỗi ngày và tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Tỉnh Gia Lai đang quyết liệt xử lý rốt ráo thực trạng này để người dân lưu thông trên những tuyến đường này được thuận lợi và an toàn hơn.

Những “con đường ám ảnh”

Tuyến đường liên xã Ayun – Kông Htốk, huyện Chư Sê có chiều dài gần 6km, nối hai xã Ayun và Kông Htốk, phục vụ cho hàng trăm lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày.

Thế nhưng, từ nhiều tháng nay, người dân qua lại tuyến đường này đang gặp nhiều khó khăn, khi mặt đường bị cày xới, hư hỏng nặng. Nhiều vị trí bị lún sâu khoảng 0,5m, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do những chiếc xe tải chở cát của hai doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại xã Ayun là Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức và Công ty TNHH MTV Trang Đức vượt quá tải trọng cho phép.

Theo thiết kế, tuyến đường liên xã Ayun - Kông Htôk chỉ có tải trọng tối đa 15 tấn, trong khi những chiếc xe chở cát lại có tải trọng lên đến 50 tấn.

Ông Nguyễn Văn Gừng, trú thôn Chư Ruồi, xã Kông Htôk cho biết, vì có rẫy tại xã Ayun, nên ông thường xuyên phải đi qua tuyến đường này.

Trước đó, khoảng tháng 4/2018, do đường bị hư hỏng, nên hai doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã tiến hành tu sửa. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, đường lại tiếp tục bị cày xới như hiện nay.

“Bây giờ đang là mùa nắng, đường khó đi, bụi bặm. Trước kia vào thời điểm mùa mưa còn khó khăn hơn nhiều.

Người lớn đi làm đã đành, trẻ nhỏ đi học thì lo lắng hơn nữa, bởi đường đi nguy hiểm quá. Mà cứ sửa, rồi lại để xe quá tải chạy thì chẳng mấy đường lại hỏng.

Chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản giải quyết dứt điểm tình trạng trên để nhân dân đi lại được thuận tiện, an toàn hơn”, ông Nguyễn Văn Gừng cho biết thêm.

Không dừng lại ở tuyến đường liên xã, Tỉnh lộ 662B cũng trong hoàn cảnh tương tự. Với chiều dài gần 25km, đây là tuyến đường huyết mạch nối Quốc lộ 25, huyện Phú Thiện đến thị trấn Ia Pa, huyện Ia Pa, phục vụ hàng ngàn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.

Thế nhưng từ nhiều năm nay, xuất hiện hàng loạt ổ gà, ổ voi trên tuyến đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, nhiều vị trí đã không còn lớp nhựa đường, thay vào đó là đất bụi và gạch, đá vụn được người dân dùng để lấp ổ gà tạm thời.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do con đường này được xây dựng từ năm 2009 đến nay nhưng việc tu bổ, sửa chữa còn hạn chế.

Hơn nữa, vào mùa thu hoạch nông sản, nhiều chiếc xe có tải trọng lớn thường xuyên qua lại, khiến tình trạng hư hỏng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Hăng, trú thôn Phù Tiên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện bức xúc nói. “Chúng tôi đã phải đi trên tuyến đường hư hỏng này ba năm qua.

Cũng đã kiến nghị nhiều nơi, nhiều cấp xong đến nay vẫn không được giải quyết,. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn có một vài xe chở đất đến đổ để lấp ổ voi, ổ gà nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại hỏng. Mùa nắng thì bụi, đi về quần áo bẩn hết, còn mùa mưa thì lầy lội, đi lại rất khó khăn”.

Xử lý triệt để

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, tuyến đường liên xã Ayun – Kông Htôk do UBND huyện Chư Sê quản lý. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Sở đã tiến hành kiểm tra, nắm bắt và xác định nguyên nhân đường hỏng.

Theo ông Lê Văn Hạnh, UBND huyện Chư Sê và hai xã Ayun, Kông Htôk đã tổ chức họp với hai doanh nghiệp khai thác khoáng sản và thống nhất phải thực hiện duy tu, sửa chữa tuyến đường đến khi hết thời hạn khai thác (năm 2025).

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Chư Sê cho biết, theo biên bản làm việc, Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức chịu trách nhiệm du tu, sửa chữa từ UBND xã Kông Htôk đến trụ sở UBND xã Ayun.

Đoạn đường còn lại từ UBND xã Ayun đến vị trí hai mỏ khoáng sản sẽ do Công ty TNHH MTV Trang Đức duy tu, sửa chữa.

Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có Công ty TNHH MTV Trang Đức thực hiện việc sửa chữa đường, trong khi tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng từ UBND xã Kông Htôk đến trụ sở UBND xã Ayun vẫn chưa được sửa chữa.

“Đến thời điểm này, đoạn từ UBND xã Ayun đến vị trí hai mỏ khoáng sản đã được đổ đất, chờ rải nhựa. Đoạn đường còn lại từ UBND xã Kông Htôk đến trụ sở UBND xã Ayun thì doanh nghiệp đã gửi công văn thiết kế và sẽ thi công trong thời gian tới”, ông Phạm Ngọc Thanh cho biết thêm.

Trên thực tế, việc Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức chậm thi công công trình khiến các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lưu thông.

Hơn nữa, ông Trần Văn Lam, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê cho rằng, chính quyền địa phương có thể yêu cầu doanh nghiệp ngừng khai thác khoáng sản nếu không đẩy nhanh tiến độ sửa đường.

Trở lại với Tỉnh lộ 662B, ông Lê Văn Hạnh cho biết, thời điểm thi công, tuyến đường này được gọi là đường liên huyện Phú Thiện – Ia Pa, thiết kế với quy mô đường cấp V miền núi (tức đường giao thông nông thôn), chủ yếu phục vụ việc đi lại của người dân trên địa bàn hai huyện Ia Pa và Phú Thiện, với các phương tiện lưu thông nhỏ và có tải trọng nhẹ.

Tuy nhiên, do đây là tuyến đường nối hai huyện, nên lượng phương tiện lưu thông khá lớn, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản. Đến năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai quyết định chuyển tuyến đường này thành đường tỉnh 662B.

“Trong quá trình khai thác, sử dụng tuyến đường đã bị xuống cấp, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.

Trước thực trạng đó, hàng năm Sở Giao thông Vận tải đều bố trí kinh phí để sửa chữa. Nhưng, do nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp, đồng thời với khối lượng hư hỏng nhiều, nên ngoài việc sửa chữa, Sở cũng chỉ đạo cho đơn vị quản lý thực hiện sửa chữa đắp đất để đảm bảo giao thông”, ông Hạnh thông tin thêm.

Tháng 4/2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường tỉnh 662B do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 110 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Nhưng, do khó khăn về nguồn vốn cùng các yếu tố kỹ thuật, qua hơn 2 năm, dự án này vẫn “án binh bất động”.

Tháng 11/2018, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục có tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường tỉnh 662B gửi Hội đồng nhân dân tỉnh.

Lý do điều chỉnh bởi hiện trạng tuyến đường có nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m, với mặt đường láng nhựa không đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng.

Bên cạnh đó, mặt đường hiện nay bị trồi lún, hư hỏng, xuống cấp nên việc đầu tư đồng bộ toàn tuyến mặt đường bê tông xi măng là cần thiết.

Theo tờ trình này, tổng vốn đầu tư sẽ được nâng lên 148 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2021. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận, quyết định thông qua tại kỳ họp thứ Bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XI vào đầu tháng 12/2018.

“Sau khi được thông qua đầu tư xây dựng, tôi tin rằng tuyến đường 662B sẽ phục vụ tốt cho việc lưu thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn hai huyện Ia Pa và Phú Thiện nói riêng, của tỉnh Gia Lai nói chung”, ông Lê Văn Hạnh khẳng định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục