Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn về thông tin mạng và mạng xã hội

19:15' - 18/04/2017
BNEWS Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, trên mạng xã hội, tin tức lan truyền chóng mặt, đến mọi ngóc ngách của xã hội, vì vậy, tin tốt sẽ gây hiệu ứng tích cực, tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường.
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/4, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về nhóm vấn đề: công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Đối phó hiệu quả với tin xấu, độc trên mạng xã hội

Xung quanh việc môi trường mạng xuất hiện một số vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội được các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Thế giới đang dịch chuyển theo hướng xã hội thông tin, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và truyền thông, tiến trình này đặt ra những thách thức mới cho cơ quan quản lý.

Mạng xã hội giúp cho người dùng chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, nhanh chóng, không phân biệt không gian, thời gian. Vì đặc tính siêu việt đó, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong xã hội thông tin. Trong tương lai, những công cụ như mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh ưu thế thông tin.

Đưa ra con số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới với khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook, Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định mạng xã hội là sân chơi hữu ích và đang làm thay đổi tận gốc cung cách truyền thông và giáo dục học tập truyền thống.

Việt Nam đang hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển, thu hút của mạng xã hội là tất yếu. “Chúng ta không cần thiết phải hạn chế mà cần chủ động tận dụng phục vụ cho cuộc sống của người dân và sự phát triển của đất nước” – Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, trên mạng xã hội, tin tức lan truyền chóng mặt, đến mọi ngóc ngách của xã hội, vì vậy, tin tốt sẽ gây hiệu ứng tích cực, tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường.

Ở nước ta, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, tung tin sai sự thật, thông tin thật giả lẫn lộn, gây hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội.

Do ý thức, nhận thức pháp luật của một bộ phận dân cư mạng còn kém, đã đẩy xã hội bị "phơi nhiễm" ngày càng mạnh bởi những thông tin khiêu dâm, bạo lực, tin thất thiệt. Đây là nhóm vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết khi quản lý mạng xã hội hiện nay.

Qua theo dõi hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng, Bộ nhận thấy nội dung của các trang trong nước đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Một số ít trường hợp để xảy ra sai phạm, nội dung vi phạm chủ yếu là cho phép thành viên chia sẻ, trao đổi nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục, phản cảm, thông tin sai sự thật. Thông tin xuyên tạc, tung tin xấu chủ yếu đến từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Nói về giải pháp truyền thông và hành lang pháp lý, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, để đối phó hiệu quả với tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, cần đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hữu ích của thông tin trên báo chí. Bộ thực hiện quy hoạch báo chí, xây dựng đội ngũ những người làm báo trong sạch, chấn chỉnh những tiêu cực, đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin - Đây là giải pháp căn bản để áp đảo những thông tin sai trái trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Bộ đã ban hành Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin qua biên giới, bước đầu có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát hành lang pháp lý và kiến nghị bổ sung phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế. Với các trường hợp vi phạm, xác định được nhân thân của người vi phạm, Bộ áp dụng các quy định hiện hành để xử lý. Với các trường hợp không xác định được nhân thân, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đến nay, Bộ đã gửi thông tin đến Google yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.200 clip có nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh Youtube. Đến ngày 12/4, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.299 xấu, độc theo yêu cầu của Bộ, trong đó có việc phối hợp xử lý 1 kênh phản động có 517 clip.

Không chỉ yêu cầu gỡ bỏ, ngăn chặn trên kênh Youtube, gần đây, Bộ tiếp tục yêu cầu Google đồng ý thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên nền tảng khác của Google như các blog, trang web sử dụng hạ tầng mạng của Google.

Trong tháng tới, Bộ sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng này. Bộ cũng vừa thành lập tổ công tác xử lý thông tin vi phạm trên mạng để phối hợp xử lý thông tin vi phạm một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Về giải pháp kỹ thuật, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tổng hợp, nắm bắt thực trạng các doanh nghiệp trong nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam để từ đó cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng Việt Nam, điển hình là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam – VNPT và Tập đoàn Viễn thông quân đội – Viettel.

Tới đây, Bộ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết với các doanh nghiệp này, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ các quy định của Việt Nam.

Một giải pháp khác được Bộ trưởng đưa ra là xây dựng công cụ đo lường theo thời gian, mức độ lan truyền, phát tán thông tin trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác. Bộ nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý phòng ngừa và cảnh báo, công cụ đánh giá truy cập web; cơ chế quản lý định hướng cho việc xây dựng bộ lọc và cơ chế cập nhật để kịp thời ngăn chặn, chia sẻ, tạm ngừng hiện thị nội dung trên mạng khi phát hiện thông tin vi phạm.

Bộ trưởng cũng đề cập đến giải pháp về thông tin truyền thông, giám sát phát hiện thông tin sai phạm từ cộng đồng, thúc đẩy mạng xã hội của chính người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp hợp tác quốc tế để tăng cường trao đổi, xử lý các vấn đề trên.

* An toàn, an ninh mạng vẫn diễn biến phức tạp

Vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng là nội dung được các đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) quan tâm.

Đánh giá thời gian qua Bộ trưởng đã có giải pháp tích cực, quyết liệt trong lĩnh vực thông tin mạng nhưng đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề rất đang lo ngại. Tình hình an ninh mạng không đảm bảo, các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, sân bay, thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu tấn công. Các đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thừa nhận thực tế liên tiếp xảy ra các cuộc tấn công mạng vào các trang hoặc cổng thông tin điện tử của ngành hàng không cũng như một số cơ quan tổ chức khác.

Trong những năm qua, tình hình an toàn, an ninh mạng cũng là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thống kê cho thấy các cuộc tấn công gây mất an toàn thông tin trên khắp thế giới đang có xu hướng tăng về số lượng, quy mô, phức tạp về phương thức thực hiện cũng như mức độ tinh vi ngày càng cao.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc đảm bảo an toàn thông tin ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát năm 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin của Việt Nam cho thấy, 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; 51% cơ quan tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi khi xảy ra sự cố dẫn đến lúng túng, bị động trong việc khắc phục đưa hệ thống trở lại bình thường.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (đứng giữa) giao lưu với các Đại biểu Quốc hội bên lề phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đặc biệt, có đến 73% cơ quan tổ chức chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định hoặc theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, phương thức phối hợp với cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự hoàn thiện, chưa nhuần nhuyễn do lĩnh vực an toàn thông tin hoàn toàn mới. Việc xác định vai trò của các đơn vị chức năng khi có sự cố xảy ra giữa Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chưa rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin của lãnh đạo các cấp, các tổ chức doanh nghiệp chưa đầy đủ.

Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành về an toàn thông tin, nhất là các chuyên gia giỏi, có năng lực chuyên sâu rất mỏng, đặc biệt cơ quan Nhà nước gặp khó khăn trong thu hút chuyên gia giỏi. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu, nguồn lực đầu tư hạn chế.

Với vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin, trong thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng điều phối, cảnh báo và trực tiếp ứng cứu xử lý một số tình huống quan trọng, khẩn cấp để chống các cuộc tấn công, phá hoại, gây mất an toàn thông tin.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ cũng đã tăng cường đảm bảo thông tin cho hệ thống như ban hành quy trình kiểm tra, đánh giá, bảo đảm an toàn thông tin mạng; quy trình xử lý sự cố an toàn thông tin mạng, quy trình diễn tập an toàn thông tin mạng.

Các cơ quan chức năng của Bộ cũng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, giám sát, cảnh báo và hỗ trợ kỹ thuật đối với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức này; tăng cường công tác phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin, triển khai các quy chế hợp tác.

Giải trình thêm về nội dung đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là một trong những nước thuộc top đầu thế giới bị mất an toàn an ninh thông tin. Để giải quyết việc này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ khung pháp lý, thiết chế, giải pháp công nghệ nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của người sử dụng. Đặc biệt, phải đề cao vai trò của hiệp hội các doanh nghiệp công nghệ thông tin và tuyên truyền tới từng người sử dụng thì mới có thể cải thiện được tình hình.

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn đối với hai Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phiên chất vấn, làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện.

Cùng với hoạt động chất vấn tại phiên họp này, theo lĩnh vực phụ trách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực được phân công, góp phần cùng Chính phủ tháo gỡ những vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục