“Chiến tranh kinh tế” tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?

06:30' - 17/08/2018
BNEWS Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/8 cho rằng sự suy thoái kinh tế của nước này là do Mỹ và các nước khác gây ra, những nước mà mà theo ông là đang tiến hành “chiến tranh” chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại tỉnh Rize ở vùng Đông Bắc, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng đồng USD, euro và vàng, giờ đây là “những viên đạn đại bác” đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Những cơn sóng từ cuộc khủng hoảng trong nước đã lan tỏa ra nước ngoài, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phần tại các ngân hàng châu Âu có tiếp xúc và giao dịch lớn với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan hứa với những người ủng hộ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ nền kinh tế, nhưng nói thêm “điều quan trọng nhất là đập gãy những bàn tay đang bắn những vũ khí này”.
Thổ Nhĩ Kỳ đang điêu đứng vì một đợt chấn động tài chính trong tuần này khi đồng lira rớt giá mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với nhôm và thếp nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lên lần lượt là 20% và 50%. 
Đồng lira sụt 14% trong phiên ngày 10/8 xuống còn 6,51 lira đổi 1 USD, một mức sụt giảm lớn đến nỗi sẽ khiến cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ điêu đứng và làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Động thái trên của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ thắng trong "cuộc chiến kinh tế".Kênh truyền hình nhà nước TRT Haber dẫn lời ông Erdogan khẳng định nước này sẽ không lùi bước trước cuộc chiến tranh kinh tế.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Anadolu cũng dẫn lời ông Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua khó khăn và kêu gọi sự hỗ trợ của người dân  thông qua việc bán vàng và các ngoại tệ như USD để mua đồng nội tệ lira.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 11/8 cũng cho biết có kế hoạch bắt đầu sử dụng đồng tiền lira thay vì USD trong giao dịch thương mại với các đối tác thương mại chủ chốt của nước này, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran và Ukraine. Ông Erdogan đồng thời khẳng định sẵn sàng sử dụng đồng euro trong giao dịch với các nước châu Âu nếu những nước này sẵn sàng.

Trước đó, ông Erdogan cũng tuyên bố Ankara có thể tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới nếu nước này không thấy thêm sự tôn trọng và có đi có lại nào trong quan hệ song phương với Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh các hành động đơn phương của Mỹ chống lại Ankara sẽ "chỉ góp phần làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ".
Sự mất giá của đồng lira là một thước đo cho mức độ lo sợ về một quốc gia đang dần đối diện với những rủi ro sau nhiều năm nợ chồng chất, lo ngại của quốc tế về việc ông Erdogan thâu tóm quyền hành, và một mối quan hệ đang xấu đi với Mỹ, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Một trong số các vấn đề gây xích mích giữa hai nước là việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một mục sư người Mỹ và đưa ông ra xét xử vì tội gián điệp và những cáo buộc dính dáng đến khủng bố, liên quan đến một nỗ lực đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm. Mục sư này đã tuyên bố vô tội, và Mỹ đáp trả bằng cách áp đặt các chế tài lên Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa thêm nữa.
Tuần trước, Washington đã áp đặt các chế tài đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ của Thổ Nhĩ Kỳ vì đã không phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ông Brunson, một mục sư Tin lành phái Trưởng Lão phúc âm từ bang North Carolina, bị bỏ tù vì bị cáo buộc ủng hộ một nhóm mà Ankara quy trách nhiệm về một cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016. Ông Brunson đã phủ nhận cáo buộc này.
Ngoài trường hợp ông Brunson, Washington đang nỗ lực để ba nhân viên đại sứ quán Mỹ làm việc tại địa phương được phóng thích.Các vấn đề thương mại và những khác biệt về Syria cũng gây căng thẳng trong quan hệ song phương. 

Ankara tuần này đã gửi một phái đoàn đến Washington để gặp Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nhằm giải quyết một số tranh chấp nhưng những cuộc đàm phán đó không có dấu hiệu đột phá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục