"Đất diễn" cho tội phạm mua bán hóa đơn - Bài 1: Khoảng trống quản lý doanh nghiệp

16:37' - 15/01/2018
BNEWS Chế tài xử phạt cũng lộ rõ hạn chế khi hàng loạt doanh nghiệp "ma" cùng các đối tượng liên quan dù bị phát hiện.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước đã đơn giản các thủ tục về thành lập, tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Song, chính sách này đang bộc lộ mặt trái với hàng loạt vấn đề phát sinh, nhất là tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp.

Nhưng đáng ngại hơn, chế tài xử phạt cũng lộ rõ hạn chế khi hàng loạt doanh nghiệp "ma" cùng các đối tượng liên quan dù bị phát hiện, truy tố, phạt tù trong thời gian qua không giảm mà có xu hướng gia tăng với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Bài 1: Khoảng trống quản lý doanh nghiệp
Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội không ngừng được cải thiện, các chỉ số cạnh tranh cũng như số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng trưởng trong thời gian qua. Nhưng bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề cho công tác quản lý, nhất là việc hậu kiểm sau cấp phép thành lập mới cũng như mua bán, chuyển đổi doanh nghiệp.
* Phía sau mặt “thoáng”
Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội tại Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, ngày làm việc nào cũng trong quang cảnh hàng trăm người ra vào tấp nập. Khu vực một cửa thường xuyên kín chỗ, người đến thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, người cầm hồ sơ mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp.

Ngoài thực hiện các quy trình trực tiếp, cơ quan này còn tiếp nhận một lượng lớn hồ sơ giao dịch trực tuyến cho các thủ tục hành chính khác như cấp phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.
Dù là trực tiếp hay trực tuyến, những bộ hồ sơ này, nhất là các hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đều được cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xử lý trong hai đến ba ngày. Thời gian này, khối lượng công việc chỉ bằng một phần mười so với những năm trước. Đây là kết quả của quá trình phối hợp liên thông “tiền đăng, hậu kiểm” giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong môi trường thủ tục, đầu tư kinh doanh.

Cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo "tiền kiểm" như trước được thay bằng "hậu kiểm” với việc doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ.
Song mặt trái của sự nhanh gọn này là hàng loạt kẽ hở để các đối tượng trục lợi chính sách, làm ăn phi pháp, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia. Trong đó, đáng ngại nhất là kẽ hở trong thay đổi nội dung đăng ký, chuyển nhượng doanh nghiệp và công tác “hậu kiểm” thành lập doanh nghiệp.
Theo quy định, việc cấp phép cho doanh nghiệp ra nhập thị trường chỉ cần “xét” trên bộ hồ sơ gửi qua mạng với giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, bản sao chứng minh nhân dân, danh sách thành viên. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi trụ sở, thay đổi chủ sở hữu hay người đại diện theo pháp luật thì phải đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp sau thành lập theo Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV.
Nhưng thực tế, việc kiểm tra, thẩm định thông tin đăng ký kinh doanh, cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau thành lập vừa qua thiếu chặt chẽ. Có trường hợp thời gian dài mới phát hiện doanh nghiệp kê khai không đúng thực tế trụ sở, số điện thoại, đưa người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp không đủ năng lực hành vi dân sự vào hồ sơ. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng đã lợi dụng cơ chế “mở thoáng” này để mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế. Nhiều trường hợp không hợp pháp được "dựng" lên làm chủ doanh nghiệp, giám đốc, còn đứng sau chỉ đạo lại là đối tượng khác.
Những doanh nghiệp này thường chỉ “sống” được khoảng 6 tháng, tức là qua 2 kỳ quyết toán rồi tự “chết yểu”, nghỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Thế nhưng, họ lại “khai sinh” doanh nghiệp khác và hoạt động tại địa chỉ mới để tiếp tục làm ăn phi pháp hoặc mua bán, chuyển nhượng “xoay vòng” các công ty đã ra nhập thị trường nhưng hoạt động thiếu hiệu quả. Khi cơ quan chức năng phát hiện, điều tra các vi phạm này thì rất khó xác định được người đứng sau điều hành.
* 30.000 doanh nghiệp “ma”?
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Từ Danh Trung, Phó trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có rất nhiều quy định mới, mang tính đột phá, bước ngoặt trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sự thông thoáng cùng những kẽ hở của cơ chế, chính sách đã bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi.
"Điều kiện để thành lập doanh nghiệp bây giờ rất thuận lợi nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp chuyển đổi rất nhiều. Vừa qua, cơ quan đăng ký kinh doanh đã rà soát toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và phát hiện có 30.000 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký từ 1 năm trở lên mà không báo cáo với cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh", ông Từ Danh Trung khẳng định.
Trước những kẽ hở chính sách, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, ông Mai Sơn lo ngại, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng trong cấp giấy phép đăng ký kinh doanh để làm ăn, thu lợi bất chính. Mua bán hóa đơn VAT nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách chỉ là một trong những vi phạm của doanh nghiệp “ma”.

Các đối tượng tội phạm còn trục lợi các sắc thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu và thuế nhà đất. Tình trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn khiến công tác quản lý nhà nước về tài chính gặp nhiều khó khăn.
Thượng tá Đàm Văn Khanh, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, cuối năm 2017, Cơ quan an ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và Cục Thuế Hà Nội cùng các cơ quan chức năng triệt phá đường dây thành lập 17 công ty “ma” để mua bán hóa đơn của Nguyễn Thị Đào và đồng bọn.

Ngoài những công ty này, khám nhà Đào, cơ quan điều tra còn thu được chứng từ liên quan đến việc chuyển nhượng doanh nghiệp của 46 công ty có dấu hiệu được sử dụng nhằm mục đích mua bán hóa đơn trái phép.
Khi mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp, các đối tượng tìm cách sang tên, chuyển đổi người đại diện pháp luật bằng hình thức sử dụng chứng minh thư công chứng, chứng minh thư giả, chứng minh thư cũ nát, để đưa đi thẩm định gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và cơ quan điều tra.
"Vì thế, khâu thẩm định chuyển nhượng doanh nghiệp là rất quan trọng. Khi làm thủ tục chuyển nhượng doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định người được chuyển nhượng xem có chính xác không, chứng minh nhân dân cũ nát phải yêu cầu làm lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hết sức trăn trở về công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau thành lập hiện nay" - Thượng tá Khanh chỉ rõ./.
Bài 2: Chế tài “yếu”, doanh nghiệp “ma” lộng hành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục