Đồng Tháp: Nhiều hộ nuôi lợn "treo chuồng" vì giá giảm

16:59' - 25/04/2017
BNEWS Giá lợn giảm sâu trong thời gian dài đã khiến người nuôi khốn đốn; trong đó, có 30% hộ nuôi lợn tại Đồng Tháp rơi vào hoàn cảnh phải treo chuồng.
Nhiều hộ nuôi lợn tại Đồng Tháp "treo chuồng" vì giá giảm. Ảnh minh họa: Lê Xuân-TTXVN

Trong bốn tháng qua, kể từ đầu năm 2017, giá lợn hơi trên thị trường giảm liên tục. Đây cũng là lần giảm giá sâu và kéo dài nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Giá lợn giảm sâu trong thời gian dài đã khiến người nuôi khốn đốn; trong đó, có 30% hộ nuôi lợn tại Đồng Tháp rơi vào hoàn cảnh phải treo chuồng. Đây là lúc, người chăn nuôi rất trông chờ vào các giải pháp đến từ ngành chức năng để vực dậy ngành chăn nuôi.

Nuôi gần 10 con lợn nái và hơn 30 con lợn thương phẩm đang trong giai đoạn sắp xuất chuồng, ông Nguyễn Văn Lơ, ngụ ở xã Tân Khánh Trung, huyện Châu Thành cho biết, hơn 24 năm chăn nuôi lợn, ông chưa từng thấy người nuôi lợn phải lâm vào tình trạng khốn đốn như hiện nay. "Lợn hơi thì rẻ như bèo, lợn con thì không ai mua", ông Lơ nói.

Ông Lơ cho biết thêm, những hộ nuôi lợn bằng cách tận dụng nguồn phụ phẩm địa phương như bột, khoai lang thì giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, tương đương 2,5 - 2,8 triệu đồng/tạ và người nuôi lợn bị lỗ khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/con/tạ. Riêng, đối với những hộ nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp, người nuôi mất trắng từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/con/tạ, chưa kể công chăm sóc.

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, trên toàn tỉnh có gần 12.000 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn gần 200.000 con, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc, huyện Tháp Mười. Hiện tại, sản lượng lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu cung cấp 3/4 nhu cầu thị trường trong tỉnh, phần còn lại phải thu mua thêm từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá cả thị trường chung nên các hộ dân sản xuất ngành nghề này tại tỉnh Đồng Tháp cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ. Theo thống kê, hiện tại, Đồng Tháp có hơn 30% các hộ dân nuôi lợn trên địa bàn phải treo chuồng.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp lý giải thêm, cái khó của ngành hàng lợn tại Đồng Tháp nói riêng là các hộ dân sản xuất chủ yếu theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, không có sự liên kết. Cũng như các mặt hàng nông sản khác, lợn chưa tìm được nguồn tiêu thụ bền vững để đảm bảo đầu ra. Điều này dẫn đến giá lợn trong tỉnh phụ thuộc vào thị trường và nhất là thương lái, trong khi nguồn cung tại địa phương vẫn thiếu.

Ông Võ Bé Hiền cho biết, bước vào giai đoạn chuyển mùa cùng với lợn giảm giá khiến tình trạng ùn ứ do tâm lý chờ giá là điều kiện cho dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Vì thế, trước mắt, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ tăng cường theo dõi và giám sát; chủ động tiêm phòng chống các bệnh trên đàn gia súc nói chung, lợn nói riêng.

Ngoài ra, tuyên truyền cho người dân loại thải các con lợn giống kém chất lượng để giảm đàn vừa góp phần cải thiện nguồn giống khi người dân tái đàn.

Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn tự phát khi giá thị trường có khởi sắc trở lại. Mặt khác, ngành chăn nuôi tỉnh cũng đang xúc tiến và kiến nghị các cấp, ngành liên quan trong việc thu thập dữ liệu, dự báo tình hình tiêu thụ đối với ngành hàng lợn và các mặt hàng nông sản khác để tránh tình trạng "dồn hàng dội chợ", giá cả xuống thấp như hiện nay./.

Xem thêm:

>> “Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục