“Dự án triệu đô” gần 20 năm vẫn dở dang

17:00' - 24/05/2018
BNEWS Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai được cấp phép thăm dò từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2009, Dự án chính thức khởi công. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa hết mong chờ vào dự án.
 Hàng trăm tấn máy móc nằm phơi sương, nắng nhiều năm nay. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Cuối năm 2016, đại diện Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên là ông Ninh Đức Yên - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên đã "vẽ" ra viễn cảnh về Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum.

Theo đó, đến tháng 1/2017 Công ty bắt đầu lắp ráp dây chuyền và sớm nhất đến quý IV/2018 Nhà máy có thể đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay Dự án vẫn chưa hoàn thành và đưa vào vận hành.
"Điệp khúc" cũ
Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai được cấp phép thăm dò từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2009, Dự án chính thức khởi công trước niềm vui của chính quyền và nhân dân huyện Đăk Tô - nơi nhà máy xây dựng.

Không vui sao được khi Dự án là động lực, niềm hy vọng "vực" kinh tế vốn èo uột của huyện Đăk Tô và tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đến thời điểm này người dân vẫn chưa hết mong chờ vào dự án bởi những lời hứa và cam kết của nhà đầu tư.
Đến nay đã 2 năm sau cam kết của ông Ninh Đức Yên, nhưng Dự án vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến. Trên diện tích đất rộng lớn dành cho Dự án vẫn không có vết tích của việc xây dựng. Hai khu nhà kho nằm cô quạnh giữa mênh mông đất dùng để cất giữ và bảo quản hàng chục tấn máy móc cũ được nhập từ New Zealand và Phần Lan.

 Sau gần 20 năm khởi công, Dự án mới chỉ xây dựng được một số hạng nhưng cũng đang còn dang dở. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Cách đó không xa, 3 khu nhà kho được xây dựng dở dang và theo thời gian những bức tường gạch đỏ au nay đã bị nhuốm màu rêu xanh. Nhiều khu mới chỉ hoàn thành phần móng, lâu năm cỏ mọc um tùm.
Ở một khoảnh đất trống được bao quanh bởi hàng rào lưới B40, hàng tấn máy móc với những cỗ máy khổng lồ nằm ngổn ngang, nhiều thiết bị do nước mưa đọng lại gây rỉ sét, hư hỏng một phần. Những tấm bạt phủ che mưa, che nắng trên thiết bị này cũng rách nát, nhưng nhà đầu tư chẳng buồn thay mới.
Ông A Déo (58 tuổi), làng Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô cho biết, gia đình ông nhường đất cho Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai 2,9 ha đất và di dời nhà ở từ năm 2001. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy Nhà máy này hoạt động. Lâu lắm rồi có thấy người ta thi công hay làm gì đâu, máy móc họ bỏ không phải thuê 3, 4 người dân bảo vệ.
Chắc chắn rằng, niềm tin của người dân nhường đất cho Dự án trên sẽ còn kéo dài thêm nữa khi cuộc làm việc mới đây giữa tỉnh Kon Tum và Công ty CP Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên lại tiếp tục đưa ra những cam kết mới.

Theo đó, từ quý I/2018 đến cuối quý II/2018 là thời gian nhà thầu tư vấn nước ngoài thiết kế lắp đặt, nhà thầu tư vấn trong nước thiết kế xây dựng nhà xưởng và đấu thầu xây dựng. Đầu quý III/2018 đến cuối quý IV/2018 xây dựng nhà xưởng chính, móng máy và bể chứa, mua thiết bị bổ sung.

Đầu quý I/2019 đến cuối quý II/2019 sẽ tiếp hành lắp đặt thiết bị BCTMP (công nghệ bột hóa nhiệt cơ tẩy trắng). Quý III/2019 đến đầu quý I/2020 sẽ hoàn thiện Dự án và tiến hành vận hành thử nghiệm có tải.
Theo ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, ban đầu Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 157ha, công suất 130.000 tấn/năm. Năm 2012, khi đầu tư xong dây chuyền sản xuất giấy in và giấy viết cao cấp thì nâng công suất lên 200.000 tấn/năm.

Điều đáng nói là từ khi bắt đầu cấp giấy chứng nhận đầu tư (ngày 13/7/2009) đến nay đã nhiều lần thay đổi: thay đổi lần 1 ngày 14/10/2010; lần 2 ngày 19/12/2011; lần 3 ngày 29/12/2014 và từ năm 2014 đến nay, Dự án vẫn án binh bất động.
Đến ngày 31/8/2017, tỉnh Kon Tum tiếp tục “ưu ái” cho Dự án này khi cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án và cấp thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Điều chỉnh tổng vốn đầu tư Dự án xuống 1.300 tỷ đồng và diện tích đất là 57ha (giảm 100 ha so với quyết định đầu tư ban đầu).

 Nhiều máy móc, thiết bị đã có dấu hiệu bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Mới đây, khi kiểm tra và làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Kon Tum, Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên tiếp tục cam kết thực hiện xây dựng Dự án đúng tiến độ và vận hành chạy thử bắt đầu chạy có tải vào Quý I/2020.

Đồng thời Công ty cũng đảm bảo có 3.500 ha cây nguyên liệu ở các tỉnh Tây nguyên để thế chấp lấy vốn đầu tư Dự án. Hiện nay, Dự án này đã hoàn thành thiết kế lắp đặt thiết bị và hứa hẹn trong năm 2018 sẽ xây dựng xong nhà xưởng chính, máy móc, bể chứa và đầu tư thiết bị bổ sung.
“Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên đơn vị này cam kết nên bao giờ Nhà máy đi vào hoạt động thì người dân Kon Tum mới tin là thật”, ông Nguyễn Đình Bắc cho biết.
Khó thu hồi...
Sau nhiều lần cam kết, hứa hẹn, điều chỉnh dự án…, nhưng bóng dáng về Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum dường như vẫn quá xa vời với người dân tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất chính là phương án xử lý khi “Dự án triệu đô” vẫn không thể hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Một góc dự án sau gần 20 năm xây dựng. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Với tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 1.300 tỷ đồng, nhưng đến nay giá trị thực hiện của Dự án mới chỉ vỏn vẹn hơn 760 triệu đồng. Mặc dù rất lạc quan với cam kết của nhà đầu tư, nhưng những người làm công tác quản lý, giám sát của tỉnh Kon Tum cũng đã hết niềm tin về một Nhà máy giấy hoàn thiện.
Theo ông Hà Tấn, Trưởng phòng Doanh nghiệp kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum: “Giờ đây rất khó xử lý Dự án này. Nếu dự án không hoàn thành và tiếp tục chậm tiến độ theo như cam kết thì cũng không thể thu hồi quyết định đầu tư được bởi tài sản trên đất của doanh nghiệp đã có. Muốn thu hồi thì phải có một nhà đầu tư khác nhận chuyển nhượng lại phần tài sản đó. Tỉnh thì không có nguồn vốn nào để có thể đền bù hay tiếp tục hỗ trợ để đầu tư cho Dự án. Bây giờ chỉ mong đơn vị chủ đầu tư thực hiện đúng như cam kết, sớm đưa Dự án vào hoạt động.”

Nhiều máy móc, thiết bị đã có dấu hiệu bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Hy vọng rằng sau những kế hoạch dài hơi trên, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành, thúc đẩy kinh tế Kon Tum phát triển, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân trong khu vực như mục tiêu Dự án đã “vẽ" ra từ thế kỷ trước./.

>>> Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục