"Giao thông quá tải, đường xá xuống cấp" làm nóng phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Dương

20:21' - 07/12/2017
BNEWS Đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn bị quá tải, đường xá xuống cấp, ùn tắc giao thông, ngập nước.
"Giao thông quá tải, đường xá xuống cấp" làm nóng phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Trần Tình/TTXVN.

Bình Dương đang chịu sức ép về phát triển kinh tế công nghiệp dẫn đến tình trạng dân số cơ học tăng nhanh. Toàn tỉnh có hơn hai triệu người, trong đó có hơn một triệu người là dân nhập cư đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn bị quá tải, đường xá xuống cấp, ùn tắc giao thông, ngập nước. Đây là vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm, Tổ đại biểu thành phố Thủ Dầu Một nêu tình trạng ngập cục bộ trong thời gian dài trên các tuyến đường khi trời mưa và triều cường vẫn diễn ra, gây khó khăn cho cuộc sống người dân và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra do người tham gia giao thông tránh các vũng nước trên đường. Sau các đợt giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, các điểm ngập cũ lại ngập sâu hơn, có nơi người dân cắm cây cảnh báo tại nơi có hố ga bị mất nắp đậy và bị nước che lấp.

Về ý kiến trên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Trần Bá Luận cho rằng, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Dọc hai bên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, người dân tự ý san lấp mặt bằng, mương dọc, hạ lưu thoát nước để xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc lấp hạ lưu thoát nước, dẫn đến ngập nước khi trời mưa.

Một số tuyến đường nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều, nên thường xuyên xảy ra ngập nước khi triều cường kết hợp mưa. Để giải quyết tình trạng ngập nước trên nhiều tuyến đường, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, xử lý từng vị trí ngập nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh, tổ đại biểu thành phố Thủ Dầu Một cho rằng, hiện nay với sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như tăng dân số cơ học càng ngày càng đông, việc quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở càng ngày càng phức tạp.

Chính vì vậy, nếu không có các giải pháp triệt để và sự phối hợp của các ngành thì ngành Giao thông vận tải không thể hoàn thành các nhiệm vụ để đưa cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch hạ tầng giao thông ngày càng tốt hơn. Với tốc độ phát triển hiện nay, không riêng gì Sở Giao thông vận tải, tất cả các sở, ngành đều có vai trò rất quan trọng.

Điều quan trọng nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng để có thể tháo gỡ vấn đề về cơ sở hạ tầng. Tình trạng tăng dân số cơ học cũng gây ra ùn tắc giao thông, như ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 13 hay đường Mỹ Phước-Tân Vạn.

Đề xuất các giải pháp phát triển giao thông trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Trung, tổ đại biểu thị xã Thuận An mong muốn ngành Giao thông vận tải phát triển xứng tầm với phát triển của tỉnh. Theo ông Trung, thực tế thời gian vừa qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương hết sức nỗ lực trong việc phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị của tỉnh, cũng như tốc độ phát triển công nghiệp quá nhanh đã làm nảy sinh một số vấn đề khiến người dân cảm thấy chưa hài lòng. Hạ tầng giao thông ở tỉnh Bình Dương hiện chưa có sự chuẩn bị tốt cho sự phát triển là một thành phố thông minh.

Ông Trung đề nghị, trước mắt tỉnh Bình Dương cần tập trung hoàn thiện những tuyến giao thông trong nội thành. Về lâu dài, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết giao thông trong vùng, bởi vì Bình Dương nằm trong trục giao thông phát triển của vùng phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai.

Nếu tỉnh chỉ phát triển hệ thống giao thông trong phạm vi của riêng Bình Dương thì chưa thể hiện được sự liên kết vùng phía bên ngoài là trục chung quanh giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh./.

>> HĐND tỉnh Khánh Hòa tán thành việc lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục