Hoạt động M&A tìm bước đột phá từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

19:29' - 10/08/2017
BNEWS Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ngày 10/8, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 với chủ đề “Tìm bước đột phá” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các diễn giả đã đưa ra nhận định, tăng trưởng thị trường M&A Việt Nam đòi hỏi "cú hích" mới từ các doanh nghiệp và của Chính phủ.

Đồng thời, cần các giải pháp thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn cả về giá trị và chất lượng của các thương vụ để vượt qua con số 5,8 tỷ USD của năm 2016.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lớn trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...

Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, cùng với quá trình hội nhập và tái cấu trúc nền kinh tế, hoạt động M&A không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp, mà còn là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Trong đó, phần lớn các thương vụ M&A ở Việt Nam trong thời gian tới vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A cho biết, không ngạc nhiên khi thấy những tập đoàn lớn của nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng - bán lẻ, năng lượng tái tạo… đều đang tìm cách mở rộng sự có mặt tại Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn nhỏ của Việt Nam cũng đang thể hiện mình là người chơi tích cực trên thị trường M&A.
Những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước lớn; sự trỗi dậy của các công ty khối tư nhân, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A là động lực quan trọng của làn sóng mới này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới. Còn trong nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách cũng chưa được khơi thông…
Dẫn chứng cụ thể, các chuyên gia phân tích, mặc dù trong 6 tháng đầu năm nay thị trường M&A rất sôi động, nhưng nhìn chung giá trị giao dịch chưa có dấu hiệu đột phá và số lượng thương vụ chỉ tập trung ở quy mô nhỏ và vừa.

Đồng thời, thị trường M&A Việt Nam phần lớn vẫn phụ thuộc vào vốn ngoại. Ngoài ra, nhìn lại thị trường M&A Việt Nam năm 2016 đạt được con số kỷ lục về giá trị (5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015), nhưng các thương vụ có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại cũng chiếm tới 77% tổng giá trị.
Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc mảng M&A của KPMG Việt Nam, M&A là sân chơi mở và các thương vụ hình thành đều vì lợi ích kinh tế nên không quan trọng ai là người làm chủ và đặt ra luật chơi. Hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến M&A hấp dẫn đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Trong bối cảnh số lượng công ty lớn của Việt Nam là quá ít so với số lượng công ty lớn từ nước ngoài nên đến khi nào thị trường M&A Việt Nam còn thu hút với nhà đầu tư nước ngoài thì họ vẫn sẽ lấn ướt nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam không có nhiều công ty lớn có đủ nguồn lực cho M&A nên cần nguồn vốn đầu tư, chứ không có dư vốn để đi đầu tư. Đồng thời, các công ty lớn của Việt Nam đang trong quá trình đầu tư tăng trưởng, vì vậy dự báo thị trường M&A trong thời gian tới vẫn phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại.
Thông qua chủ đề “Tìm bước đột phá”, Diễn đàn M&A năm nay đã cung cấp một cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam. Xuyên suốt chương trình Hội thảo chính là các phần trình bày từ diễn giả và 3 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề gồm; “Nhận diện các yếu tố đột phá trên thị trường M&A”, “Hiện thực hoá cơ hội: Góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế”, “Bài học từ những thương vụ lớn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục