Nếu đàm phán về Brexit thất bại có thể hủy hoại nền kinh tế Anh

19:24' - 21/10/2017
BNEWS Nhiều người cảnh báo việc ra khỏi EU mà không đạt thỏa thuận nào về các mối quan hệ trong tương lai có thể hủy hoại nền kinh tế Anh.
Những hệ lụy mà nước Anh phải hứng chịu nếu đàm phán về Brexit thất bại. Ảnh minh họa: TTXVN
Giá thực phẩm tăng, các chuyến bay không được thực hiện và việc làm ngành tài chính bị mất là những hệ quả được dự báo nếu Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận, mặc dù có những nhận định lạc quan hơn được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của EU ngày 20/10.

Thủ tướng Anh Theresa May không bác bỏ khả năng giành thắng lợi trong các cuộc đàm phán và một số thành viên trong đảng của bà đang hối thúc việc đạt thỏa thuận để tránh phải trả “hóa đơn ly hôn” và để quá trình Brexit diễn ra đơn giản và rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, nhiều người cảnh báo việc ra khỏi EU mà không đạt thỏa thuận nào về các mối quan hệ trong tương lai có thể hủy hoại nền kinh tế Anh.

Trong kịch bản xấu nhất đó, quan hệ thương mại giữa Anh và EU sẽ lại tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, có nghĩa một loạt các loại thuế sẽ được áp lên các sản phẩm nhập khẩu và xuất khẩu, và đặc biệt cao đối với nông sản. Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) ước tính, giá pho mát có thể tăng hơn 30%. Giá một lát pho mát Pácma của Italy (I-ta-li-a) hiện là 5 bảng tại một siêu thị ở Anh sẽ tăng lên 6,5 bảng. BRC dự báo giá trung bình các loại thực phẩm mà các nhà bán lẻ Anh nhập từ EU sẽ tăng 22%. Trong khi đó, Anh nhập khoảng 60% nhu cầu thực phẩm từ EU, đặc biệt là hoa quả và rau.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không có trụ sở tại Anh sẽ không được phép thực hiện các chuyến bay tới EU. Các hãng như British Airways sẽ phải có giấy phép riêng để có thể thực hiện điều đó và điều này có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hành khách mỗi ngày. Theo Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond, nếu không đạt được thỏa thuận, sẽ không có các chuyến bay giữa Anh và EU kể từ ngày 29/3/2019.

Ngoài ra, xe hơi nhập khẩu và xuất khẩu sẽ phải chịu mức thuế 10%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất nước ngoài có hoạt động tại Anh như Nissan, hãng đang sử dụng 7.000 lao động tại nhà máy ở Sunderland và xuất khẩu hơn 80% lượng xe được sản xuất tại đây. Giá tăng có thể cũng sẽ tác động đến người tiêu dùng. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và buôn bán ô tô, thuế sẽ khiến giá xe nhập khẩu từ EU vào Anh tăng trung bình 1.500 bảng.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính sẽ mất tấm hộ chiếu cho phép cung cấp các dịch vụ qua biên giới cho các khách hàng trên khắp EU. Hàng chục nghìn việc làm ở trung tâm tài chính City of London có thể bị mất và các công ty bảo hiểm buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh liên quan tới EU sang các chi nhánh ở khối này. Nhiều tổ chức tài chính đã bắt đầu có kế hoạch đối phó, với các văn phòng ở Amsterdam, Dublin hay Frankfurt sẽ được mở. Công ty tư vấn Oliver Wyman ước tính có khoảng 75.000 người trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có thể mất việc làm.

Đồng thời, lượng tờ khai hải quan bắt buộc tại các cảng của Anh sẽ tăng từ 55 triệu hiện nay lên 255 triệu một năm nếu không thỏa thuận nào đạt được. BRC cho rằng điều này có nghĩa thời gian hàng hóa nằm chờ tại các cảng sẽ tới 2-3 ngày.

Chưa kể, nếu Anh ra khỏi Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu, các nước khác sẽ không thể cung cấp vật liệu nguyên tử cho các nhà máy điện trừ phi một thỏa thuận được nhất trí. Hiệp hội các ngành công nghiệp nguyên tử Anh cảnh báo nguy cơ tác động lớn khi điện khi điện nguyên tử đóng góp 20% sản lượng điện của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục