"Người tiêu dùng có quyền yêu cầu 100% an toàn thực phẩm"

19:55' - 18/01/2016
BNEWS Trách nhiệm chính về vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là cơ quan chức năng, người sản xuất và đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm.
 
"Người tiêu dùng có quyền yêu cầu 100% an toàn thực phẩm". Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về vấn đề "An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 18/1, đại diện của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam và Trung tâm Cúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đều khẳng định, trách nhiệm chính về vấn đề này vẫn là cơ quan chức năng, người sản xuất và đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm.

Các địa phương khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và công khai các sản phẩm vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng.

Trước vụ việc các lực lượng chức năng vừa thu giữ một số lượng lớn rau, củ, quả và thực phẩm của Công ty Trung Thành không có nguồn gốc xuất xứ như cam kết được tiêu thụ tại trường tiểu học Phú Thượng quận Tây Hồ, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho rằng, đây là bài toán liên kết lỏng lẻo. Chưa có sự minh bạch thông tin của đơn vị sản xuất, đơn vị trung gian phân phối và đơn vị tiếp nhận.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, đây là sự việc gây tác động dư luận rất xấu, phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, người tiêu dùng không vì sự việc như vậy mà đánh giá toàn thể bức tranh về sản phẩm rau thịt của Hà Nội.

Bên cạnh những “hạt sạn” như vậy, còn có rất nhiều cơ sở thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, số rau mẫu được kiểm tra vượt ngưỡng giới hạn cho phép khoảng 5%, như vậy còn 95% an toàn. "Về nguyên tắc người tiêu dùng có quyền yêu cầu 100% an toàn thực phẩm", ông Phong nói.

Ông Chí cũng cho biết, để có nguồn thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, giao cho các đơn vị chuyên ngành phối kết hợp với các tỉnh thành cung ứng sản phẩm. Theo đó, các tỉnh thành sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào.

Các ngành chức năng Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra đầu ra. Nếu có sản phẩm lỗi sẽ thông báo với các tỉnh thành và các đơn vị sản xuất. Bởi vậy, trong thời gian vừa qua, thành phố kiểm tra gần 1.000 mẫu các chỉ tiêu lý hóa, chỉ gần 5% sản phẩm vượt chỉ tiêu.

“Người tiêu dùng Thủ đô có thể yên tâm với sản phẩm hiện nay đang cung ứng cho thị trường đều an toàn. Tuy nhiên, khi cung ứng qua các chợ đầu mối nên không rõ được xuất xứ nguồn gốc nhưng cơ bản là đảm bảo vệ sinh an toàn”, ông Chí nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chí, hiện nay các siêu thị, các cơ sở bán sản phẩm an toàn ở Thủ đô mới cho đáp ứng được 20% nhu cầu, 80% phải thông qua các cơ sở, chợ đầu mối. Năm 2016, thành phố Hà Nội sẽ đưa ra bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm an toàn.

Chuẩn bị Tết là giai đoạn bùng nổ các cơ sở sản xuất thực phẩm thời vụ, nhỏ lẻ và tự phát và không khai báo, đăng ký. Để giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở kiểu này, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, đã sản xuất phải có chứng nhận sản xuất kinh doanh và có chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó, nếu UBND quận/huyện và xã/phường làm nghiêm túc vẫn đủ điều kiện để kiểm tra, giám sát.

Theo ông Phong, không thể mang bánh, kẹo… vào các siêu thị, cửa hàng mà không có tên công ty nào sản xuất, nguồn gốc.

Do đó, muốn đưa vào các cơ sở bán hàng với số lượng lớn thì phải có đăng ký, giám sát quy định, cụ thể là UBND quận/huyện và xã/phường. Một quán nước mở ra có thể bị thu thuế thì không thể nói một cơ sở sản xuất thực phẩm mà lại sản xuất cả ngày cả đêm mà không biết. Vấn đề đã đăng ký thì phải kiểm tra, giám sát nghiêm túc.

Để có sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã xác định, trước hết là hướng dẫn người sản xuất, nông dân sản xuất sản phẩm an toàn thì mới có sản phẩm an toàn.

Muốn vậy, phải tăng cường khâu lấy mẫu giám sát xem sản phẩm có an toàn hay không, sau đó công nhận cơ sở đó an toàn. Cùng với đó, Bộ chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, đặc biệt trong dịp tết không thanh kiểm tra theo kế hoạch.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phong cho rằng, nếu không thanh tra sẽ không phát hiện được vi phạm. Phải duy trì thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn để các vụ vi phạm bị phát hiện nhanh hơn, góp phần để thị trường thực phẩm an toàn hơn. Vấn đề là khi phát hiện phải kiên quyết xử lý.

Về mức xử phạt được nhiều người cho là chưa đủ sức răn đe nhưng ông Phong khẳng định, nếu làm kiên quyết về lĩnh vực thực phẩm mức xử phạt tương đối nghiêm khắc. Ví dụ xử phạt tối đa theo vi phạm hành chính là 200 triệu đồng nhưng với lĩnh vực an toàn thực phẩm nếu luật còn cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm.

“Nếu chúng ta dám quyết liệt làm thì không lo không đủ sức răn đe. Các cơ sở vi phạm ngoài việc phạt tiền, xử lý bằng hình phạt bổ sung, việc công bố kịp thời tên các cơ sở vi phạm, địa chỉ công ty, hành vi vi phạm, là 1 biện pháp bổ sung rất hiệu quả”, ông Phong cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục