"Số phận"ABN AMRO gắn liền với các thương vụ M&A

15:11' - 02/12/2017
BNEWS Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) được biết đến như một điển hình phát triển và mở rộng nhờ hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A).

Lịch sử của ABN AMRO là một chặng đường dài tiến hành các hoạt động này, trong đó có cả sự can thiệp của nhà nước.
Năm 1824, Vua William I lập ra công ty thương mại Nederlandsche Handel-Maatschappij (NHM) với mục đích hồi sinh thương mại cho một khu thuộc địa của nước này. NHM vào năm 1964 hợp nhất với Twentsche Bank, tạo ra Algemene Bank Nederland (ABN).

Cũng trong năm này, Amsterdamsche Bank sáp nhập với Rotterdamsche Bank tạo nên AMRO Bank. Năm 1991, ABN và AMRO Bank đồng ý hợp nhất, cho ra đời ABN AMRO.

Nhờ các thương vụ thâu tóm và sáp nhập trên, ABN AMRO khi mới “chào đời” đã sở hữu một số luợng "khủng" các công ty và chi nhánh tại nước ngoài, từ châu Á, Trung Đông, đến Bắc, Trung và Nam Mỹ.
Quả không sai khi nói rằng ABN AMRO “lớn lên” nhờ M&A. Ngân hàng này phát triển thông qua vô số vụ thôn tính, trong đó có việc mua The Chicago Corporation (công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, thanh toán và thương mại hàng hoá) vào năm 1995; mua ngân hàng Standard Federal trong năm 1996; mua Standard Federal Bancorporation vào năm 1997; thâu tóm đối thủ Michigan National Bank vào năm 2001.

Tại Brazil, ABN AMRO “nuốt trọn” ngân hàng lớn thứ tư nước này Banco Real vào năm 1998. Các vụ thâu tóm diễn ra liên tiếp sau đó biến Brazil thành thị trường lớn thứ ba của ABN AMRO, sau Hà Lan và Mỹ.
Ở châu Âu, ABN AMRO thu về công ty môi giới chứng khoán Anh Hoare Govett vào năm 1992, thu về ngân hàng đầu tư Thuỵ Điển Alfred Berge vào năm 1995, mua lại ngân hàng tư nhân hàng trăm năm tuổi Delbrück & Co của Đức. vào năm 2002.

ABN AMRO cũng thâu tóm các ngân hàng tại Pháp như Banque Odier Bungener Courvoisier, Banque Demachy, Banque du Phénix,..; và ngân hàng tại Italy Antonveneta. ABN AMRO đổ tiền mua tổ chức phát triển xây dựng và thế chấp Bouwfonds của Chính phủ Hà Lan vào năm 2000.
“Bước chuyển” của ABN AMRO bắt đầu từ năm 2005. ABN AMRO dù đã cố gắng song vẫn không đạt mục tiêu về cổ tức. Trong giai đoạn 2001-2005, giá cổ phiếu của ABN AMRO chững lại.

Kết quả tài chính của ABN AMRO trong năm 2006 khiến tương lai của ngân hàng này càng thêm mù mịt, khi chi phí hoạt động tăng với tốc độ nhanh hơn doanh thu, các khoản nợ không thanh toán được (NPL) vượt 192% so với năm trước đó.
Mọi việc được đẩy lên đỉnh điểm khi vào tháng 3/2007, ABN AMRO xác nhận đang cùng ngân hàng Anh Barclays đàm phán về khả năng sáp nhập. Ngày 18/4, một ngân hàng Anh khác là Royal Bank of Scotland (RBS) đề xuất sẽ cùng ngân hàng Fortis và Banco Santander (Tây Ban Nha) mua lại ABN AMRO.

Ngày 23/4, Barclays ra giá 67 tỷ euro để mua ABN AMRO. Hai ngày sau đó, công-xoóc-xi-om do RBS dẫn đầu ra giá 72 tỷ euro. Ngày 17/10, ABN AMRO đồng ý để công-xoóc-xi-om đứng đầu là RBS, mua lại. Nhiều năm luôn ở trong thế chủ động, đây là lần đầu tiên ABN AMRO bị “đổi ngôi”, chính thức chuyển chủ, và bị phân tách theo kế hoạch hoạt động mới.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến Bỉ và Hà Lan "điêu đứng", ABN AMRO lại được “tái sinh”. Tập đoàn ngân hàng-bảo hiểm Fortis (Bỉ-Hà Lan) lúc này gặp phải hàng loạt vấn đề, do hậu quả của việc đổ tiền vào mua ABN AMRO.

Cổ phiếu mất giá, Fortis đánh mất niềm tin của các thị trường tài chính và khách hàng, dẫn tới việc bị quốc hữu hóa vào tháng 10/2008.

Amsterdam mua lại mảng kinh doanh tại Hà Lan, nhánh bảo hiểm và cổ phần trong ABN AMRO của Fortis. Chính phủ tuyên bố hợp nhất tất cả hoạt động của ABN AMRO và Fortis Bank Nederland (mảng hoạt động của Fortis tại Hà Lan) thành ABN AMRO “mới”, đánh dấu lần thứ hai tên gọi ABN AMRO được đứng riêng.
ABN AMRO được chính phủ cấp vốn, tiến tới hoàn thiện quy trình sáp nhập, hợp nhất vào tháng 7/2010. ABN AMRO chú trọng vào hoạt động bán lẻ, ngân hàng tư nhân tại Hà Lan cũng như ở các nước tại châu Âu, châu Á,...

Mảng ngân hàng thương mại và ngân hàng doanh nghiệp cũng là ưu tiên của ABN AMRO. Lượng nhân viên trên toàn cầu của ABN AMRO hiện khoảng 21.664 người. Lợi nhuận ròng của ngân hàng trong quý III/2017 đạt 673 triệu euro, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục