"Sống chung" với con đường lầy lội dù đã 5 năm hiến đất

08:06' - 12/11/2017
BNEWS Sau 5 năm hiến đất, dự án nhựa hóa, mở rộng tuyến đường liên thôn đoạn qua thôn Lộc Hà, Lộc Bình (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa được thi công.
Con đường cũ ngày càng xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, làm thiệt hại kinh tế của các hộ tham gia hiến đất. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Sau 5 năm hàng chục hộ dân hiến đất, nhưng con đường đi qua hai thôn Lộc Hà, Lộc Bình, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, vẫn chưa được thi công. Đường ngày càng xuống cấp, gây khó khăn trong vận chuyển và đi lại, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo phản ánh của các hộ dân, thời điểm năm 2012, khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa tuyến đường liên thôn dài 5,5 km, mặt đường rộng 12m, qua các thôn: Lộc Tiến, Lộc Thiện, Lộc Tân, Lộc Tài, Lộc Hà, Lộc Bình (xã Phú Lộc), hàng chục hộ dân thuộc hai thôn Lộc Hà và Lộc Bình đã tự nguyện hiến đất làm đường.

Các hộ nơi tuyến đường đi qua đều chủ động phá bỏ các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả để hiến đất, với mong muốn có được con đường phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, sau 5 năm hiến đất, dự án nhựa hóa, mở rộng tuyến đường liên thôn đoạn qua thôn Lộc Hà, Lộc Bình vẫn chưa được thi công.

Hiện phần đất hàng chục hộ dân hiến hai bên đường cây cối mọc um tùm, con đường trở nên lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa, bụi bay mịt mù vào mùa nắng. Hai thôn Lộc Hà, Lộc Bình bị cô lập sau mỗi trận mưa do không thể di chuyển trên con đường lầy lội.

Gia đình chị Phan Thị Hường, thôn Lộc Hà, xã Phú Lộc đã chặt bỏ gần 30 trụ tiêu để hiến đất làm đường. Theo tính toán của chị Hường, gần 30 trụ tiêu có thể cho thu hoạch gần 30 triệu đồng/năm, như vậy trong 5 năm qua, gia đình chị Hường chịu thiệt hại hơn 100 triệu đồng, nhưng con đường thì chưa được làm.

Chỉ tính riêng thôn Lộc Hà đã có 34 hộ hiến đất làm đường, theo tính toán của người dân thôn Lộc Hà, việc thất thu nông sản từ các loại cây trên đất hiến, cùng giá trị đất được hiến gây thiệt hại ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng trong 5 năm.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà những khó khăn, bất cập trong 5 năm qua khiến người dân vô cùng bức xúc.

“Khốn khổ nhất là mỗi lần trời mưa, con đường lầy lội, trơn trợt không thể di chuyển bằng xe. Con em những gia đình có điều kiện được phụ huynh đưa đón đến trường bằng đường vòng đi qua các thôn khác. Còn những gia đình không có điều kiện đưa đón, con em phải nghỉ học giữa chừng.

Tình trạng tai nạn giao thông vì đường lầy lội diễn ra liên tục; hàng hóa, nông sản không thể vận chuyển, giao thương; hàng chục hộ dân hai thôn Lộc Hà, Lộc Bình bị cô lập sau mỗi trận mưa, khiến người dân vô cùng bức xúc”, ông Đinh Công Khải (thôn Lộc Hà) cho biết.

Việc con đường đã giải phóng mặt bằng 5 năm vẫn chưa được thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, làm trì trệ sự phát triển kinh tế, sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây.

Trả lời kiến nghị của người dân về sự chậm trễ trong việc thi công dự án, huyện Krông Năng khẳng định: Huyện đã thực hiện đúng phần trách nhiệm của huyện (đầu tư đường cấp phối tuyến đường liên thôn xã Phú Lộc) với các hạng mục nền đường, cống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Việc nhựa hóa đường liên thôn, huyện đã giao cho Ủy ban nhân dân xã Phú Lộc làm chủ đầu tư (lấy nguồn vốn từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Phú Lộc), thời gian thực hiện từ năm 2014 – 2016.

Cũng theo Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng, do Ủy ban nhân dân xã Phú Lộc chưa triển khai các thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Phú Lộc nên chưa có nguồn vốn đầu tư nhựa hóa tuyến đường hai thôn Lộc Hà và Lộc Bình.

Người dân vẫn phải “sống chung” với con đường lầy lội, kéo theo nhiều khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ông Trần Văn Bảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Lộc cho biết, việc chưa đầu tư nhựa hóa tuyến đường qua thôn Lộc Hà và Lộc Bình là do thiếu vốn. Ông Bảo khẳng định, trong năm 2018 sẽ tiến hành các thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thôn Lộc Tân (xã Phú Lộc) và lấy nguồn đó tiến hành bê tông hóa đoạn đường qua thôn Lộc Hà và Lộc Bình theo tiêu chí nông thôn mới.

Ông Bảo cũng cho rằng, việc xã chưa triển khai bán đấu giá quyền sử dụng đất là do trình tự thủ tục kéo dài chứ không có sự tắc trách trong việc triển khai dự án.

Trong khi chính quyền các cấp của huyện Krông Năng đang triển khai các thủ tục để có nguồn vốn đầu tư tiếp thì người dân hai thôn Lộc Hà và Lộc Bình vẫn phải “sống chung” với con đường lầy lội, kéo theo nhiều khó khăn.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nhựa hóa đường giao thông nông thôn, đồng thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân hai thôn Lộc Hà, Lộc Bình, cũng như giải quyết những bức xúc của nhân dân khi nhiệt tình hiến đất nhưng chưa được đầu tư làm đường.

Dự án nâng cấp, sửa chữa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn xã Phú Lộc, theo UBND huyện Krông Năng được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục nền đường, cống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông, thực hiện từ năm 2012 -2015; giai đoạn 2 bao gồm hệ thống thoát nước dọc, mặt đường cấp phối đồi, nhựa hóa mặt đường, hoàn thành vào năm 2016./.

>>> Vì sao quốc lộ 61 đoạn Cái Tư - Gò Quao càng sửa … càng khó đi?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục