Tích tụ đất đai phải gắn với phát triển kinh tế nông thôn

08:18' - 24/06/2017
BNEWS Cách đây hơn 30 năm, bắt đầu từ chủ trương khoán 10, chính sách giao đất ổn định lâu dài đã góp phần giải phóng sức lao động, tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn
Tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Ảnh minh họa: TTXVN

Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện để tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản đất đai là một trong những chỉ đạo của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp.

Theo đó, việc tích tụ, tập trung đất đai phải đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, có năng suất hiệu quả kinh tế; phải gắn với phát triển kinh tế nông thôn, hướng tới cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc tốt đẹp hơn.

* Quá trình tích tụ, tập trung đất đai còn chậm

Cách đây hơn 30 năm, bắt đầu từ chủ trương khoán 10, chính sách giao đất ổn định lâu dài đã góp phần giải phóng sức lao động, tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong các nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới.

Hệ thống chính sách, pháp luật đất đai cũng dần được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Đặc biệt, các chính sách pháp luật khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn đã giúp người sử dụng đất yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Trong trồng trọt, sản xuất đã chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; với ngành chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để tăng hiệu quả sản xuất; trong lĩnh vực thủy sản, đã giảm dần khai thác tăng nuôi trồng bền vững…

Do đó, trong một Hội nghị bàn về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn (tháng 4-2017), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chúng ta không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dung đất, năng suất lao động. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines…

Nguyên nhân của tình trạng chậm tích tụ, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn diễn ra chậm; một số chính sách, pháp luật đất đai chưa thúc đẩy tích tụ như đối với hộ gia đình, cá nhân.

* Tích tụ đất đai phải gắn với phát triển kinh tế nông thôn

Bàn về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, việc tích tụ, tập trung đất đai phải đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, có năng suất hiệu quả kinh tế, tránh hình thức, làm phong trào. Tích tụ đất đai phải đi đôi với quy hoạch gắn với điều kiện thực tế ở mỗi vùng, địa phương; tích tụ ruộng đất phải lấy các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại có đầy đủ năng lực về tài chính, kiến thức, kinh nghiệm, có khả năng đầu tư toàn diện vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, tích tụ ruộng đất phải gắn với phát triển các ngành nghề dịch vụ tại nông thôn để phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hướng tới cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc tốt đẹp hơn.

Muốn thực hiện được điều này, Phó Thủ tướng cho biết, cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến đất đai; xây dựng được các chế tài và các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tập trung tái cơ cấu kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp nhưng phải gắn với thị trường đảm bảo cho hàng hóa tiêu thụ ổn định không những trong nước và ngoài nước; tổ chức sản xuất ở nông thôn hợp lý hơn...

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất, bên cạnh việc đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai để phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ cấu lại nền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp; bổ sung chính sách để hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất, một số chuyên gia cho rằng tình trạng nông nghiệp kém hiệu quả hiện nay ở nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do chậm tích tụ, tập trung đất đai. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: tổ chức thị trường còn yếu kém (thể hiện ở chỗ nông nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu ở các khâu có giá trị gia tăng thấp), lao động giản đơn, thiếu sự hỗ trợ của công nghiệp, dịch vụ, chế biến, thiếu thương hiệu có uy tín, quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp còn có những hạn chế dẫn đến tình trạng tàn phá tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Vì vậy, để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, cần các giải pháp toàn diện, trong đó giải pháp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như: tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra; xây dựng và bảo vệ thương hiệu; tăng cường quản lý chất lượng nông sản…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục