Không có người thắng cuộc khi giá dầu giảm mạnh

05:00' - 14/03/2020
BNEWS Trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nhu cầu dầu mỏ, việc giá dầu giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong thời gian dài sẽ không thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc giá dầu giảm kéo dài trong hai năm 2014-2015 được chào đón như là một cú hích đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times của Anh, cú sốc đối với nguồn cung yếu mà các nhà phân tích cho rằng có thể khiến giá dầu giao dịch quanh mức 30-40 USD/thùng, nếu cuộc chiến giá dầu diễn ra. Điều này dự báo sẽ gây áp lực lớn lên nền kinh tế và tài chính công của các nước sản xuất dầu.

Trong thời điểm khác, tác động của việc giảm giá dầu đối với nền kinh tế toàn cầu có thể là tích cực vì giá nhiên liệu thấp kích thích nhu cầu của người tiêu dùng và đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ. Tuy nhiên, lần này do sự bùng phát dịch bệnh COVID-19, ít có khả năng người tiêu dùng sẽ vội vã chi tiêu "khoản trời cho" này.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ giảm, ghi nhận lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và tình trạng đình trệ về đi lại và du lịch trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, với nguồn cung quá lớn và cú sốc đáng kể về cầu tại cùng một thời điểm, "tình hình mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay dường như chưa từng xảy ra trong lịch sử thị trường dầu mỏ".

Các nhà kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng việc giảm giá dầu tác động đến nguồn vốn dành cho các lĩnh vực liên quan đến dầu mỏ và nguồn thu của các nước sản xuất dầu. Bên cạnh đó, căng thẳng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp - với việc một số công ty năng lượng có nguy cơ vỡ nợ - có thể làm trầm trọng thêm việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. Cuối cùng, dù sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng giá dầu giảm ít khả năng dẫn đến việc chi tiêu nhiều hơn trong ngắn hạn.

Các quốc gia sản xuất dầu chính sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tỷ lệ hòa vốn tài chính, mức giá dầu trong khoảng 30-40 USD/thùng không đủ cao để chính phủ các nước tài trợ cho các kế hoạch chi tiêu mà vẫn giữ được một ngân sách cân bằng.

Mặc dù dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia lớn, có nghĩa là nước này có thể chịu được việc giá dầu thấp trong một thời gian, song Mark Lacey, người đứng đầu bộ phận theo dõi hàng hóa của tập đoàn quản lý tài sản đa quốc gia Schroder, cho rằng quyết định giảm giá trong khi tăng cường khai thác thêm dầu của Riyadh có thể khiến nước này thiệt hại khoảng 120 tỷ USD.

Ông Fatih Birol nói trên Twitter rằng đối với một số nước sản xuất dầu lớn "việc giá thấp duy trì lâu có thể khiến cho việc chi trả cho các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế và lao động trong khu vực công trở nên khó khăn". Thêm vào đó, điều này sẽ khiến mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế "trở nên quan trọng và khó khăn hơn do thiếu tiền để đạt được điều đó".

Các thị trường mới nổi khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Chuyên gia James Lord thuộc ngân hàng Morgan Stanley cho biết các nhà nhập khẩu dầu "có thể về bề ngoài được lợi, nhưng họ không được lợi", vì giá dầu giảm mạnh thường đi kèm với nguy cơ chi phí đi vay cao hơn trên toàn cầu.

Những hệ lụy đối với nền kinh tế Mỹ còn mơ hồ hơn. Trong quá khứ, tác động chính sẽ là làm giảm giá xăng dầu cho người tiêu dùng, một diễn biến mang lại lợi ích cho bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào trong năm bầu cử. Tuy nhiên, giờ đây dầu đá phiến đã biến Mỹ thành một nước xuất khẩu năng lượng ròng và nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản nếu giá dầu duy trì ở mức thấp hiện tại.

Khu vực được hưởng lợi rõ ràng nhất là Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nơi mà tác động chính của việc giá dầu giảm là giá tiêu dùng giảm, tăng nguồn tài chính của các hộ gia đình.

Quy tắc ngón tay cái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là giá dầu cứ giảm 10 euro sẽ làm lạm phát tại Eurozone giảm 0,3% trong vòng hai tháng. Holger Schmieding, một nhà kinh tế tại Berenberg, cho rằng đây là một tin tốt, song trong khi những tác động đối với đầu tư vào ngành năng lượng của Mỹ là tức thì, bất kỳ lợi ích nào đối với người tiêu dùng châu Âu sẽ chỉ được biểu hiện trong dài hạn. Điều này chỉ là một "sự an ủi" chứ không phải là sự trợ giúp ngay lập tức cho tăng trưởng toàn cầu.

Bà Jennifer McKeown, thuộc công ty tư vấn Capital Economics, cho rằng việc giá dầu giảm gần 50% so với đầu năm sẽ làm giảm lạm phát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khoảng 1%, nhưng cảnh báo rằng ngay cả trong năm 2014, việc giá dầu giảm cũng không thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng ở Eurozone hay Mỹ như dự kiến ban đầu.

Với nỗi sợ và tình trạng đình trệ sản xuất liên quan đến dịch COVID-19, bà Jennifer McKeown nói rằng: "Có vẻ như hiện nay ít có khả năng là các hộ gia đình sẽ phản ứng trước việc chi phí năng lượng thấp hơn bằng cách chi tiêu nhiều hơn. Giá dầu giảm đã làm tăng nguy cơ của một cuộc suy thoái sâu hơn"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục