Lực cầu bắt đáy cuối phiên, VN - Index sáng 10/3 giảm nhẹ

12:44' - 10/03/2020
BNEWS Đến khoảng 10 giờ 30 phút các chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ và VN- Index tạm dừng trong phiên sáng chỉ giảm nhẹ
Đến khoảng 10 giờ 30 phút các chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ và VN- Index tạm dừng trong phiên sáng chỉ giảm nhẹ. Ảnh:TTXVN
Ảnh hưởng từ việc giảm giá từ hôm qua, cộng thêm với việc chứng khoán Mỹ lao dốc trong tối hôm qua khiến mở cửa phiên sáng nay, chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh, đã có thời điểm VN - Index giảm tới hơn 27 điểm. Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ 30 phút các chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ.

Theo đó, cuối phiên giao dịch sáng nay (10/3), VN – Index chỉ giảm 1,67 điểm, dừng ở mốc 833,82 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 182,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 3.149,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 159 mã tăng giá, 48 mã đứng giá, 182 mã giảm giá.

HNX – Index tăng nhẹ 0,44 điểm lên 106,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 44,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 463,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 50 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 91 mã giảm giá.

Đáng chú ý, phiên hôm qua trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu ảnh hưởng lớn lên chỉ số VN30)  hầu hết là giảm sàn thì hôm nay đã có tới 13 mã tăng giá trong khi còn 17 mã giảm giá. Tuy nhiên, điểm tích cực là chỉ số VN30 đã tăng tới 3,26 điểm.

Các mã tăng giá trong nhóm VN30 có thể kể đến là VNM tăng 3,1%, VIC tăng 1,3%, HPG tăng 3,6%, FPT tăng 2,4%, MSN tăng 2,9%... Ở chiều giảm giá, đáng chú ý BVH giảm 5,3%, SSI giảm 1,6%, PNJ giảm 1,3%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã cân bằng trở lại khi sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá, ACB tăng tới 4,3% là động lực chính giúp chỉ số HNX - Index kết phiên trong sắc xanh. Các mã  CTG, MBB, VIB... cũng tăng trưởng khá tốt giúp nâng đỡ chỉ số VN - Index. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã BID, VCB, HDB, NVB, EIB và SHB đều ở chiều giảm giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn diễn biến rất tiêu cực với việc GAS giảm 5,3%, PLX giảm 6,5%, POW giảm 0,4%. Các mã PVD, PVB, PVS, TDG cũng đều ở chiều giảm giá; trong đó, TDG tiếp tục giảm sàn. PVC là mã cổ phiếu dầu khí hiếm hoi còn giữ được sắc xanh.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trong phiên giao dịch sáng nay. Theo đó, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 189,55 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là MSN (hơn 42,34 tỷ đồng), quỹ chỉ số E1VFVN30 (hơn 41 tỷ đồng), HPG (hơn 33,2 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 7,73 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh nhất sàn này là PVS (hơn 7,3 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 2,23 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là LPB (hơn 2,1 tỷ đồng), ACV (hơn 1,4 tỷ đồng).

Trước phiên giao dịch sáng nay, trong báo cáo “Chiến lược thị trường - Bình tĩnh và đánh giá đúng" của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDS) khuyến nghị, nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá.

Theo VNDirect, thị trường có phiên giảm sâu kỷ lục trong hơn 18 năm qua do tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh bởi tình hình dịch COVID-19 và những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên ngày 9/3. Chỉ số giá trên lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (P/E) của VN-Index về mức 13 lần, thấp nhất kể từ giữa năm 2016 và đang thấp hơn khoảng 21% so với bình quân 5 năm là khoảng 16,4 lần.

VNDirect nhận thấy rằng vùng 780-800 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index nên có thể xuất hiện nhịp phục hồi ngắn hạn khi VN-Index chạm vùng này.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 9/3 cùng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu, trong bối cảnh những lo ngại về thiệt hại kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đã dẫn đến hoạt động bán tháo một loạt các tài sản.

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) tạo ra chế độ “ngắt tự động” trên toàn thị trường chứng khoán nhằm ngăn chặn việc lặp lại kịch bản ngày 19/10/1987, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm đến 22,6%.

Theo đó, hoạt động giao dịch trên tất cả các sàn chứng khoán của Mỹ sẽ bị ngắt trong 15 phút nếu chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% trước 15h25 theo giờ New York.

Chế độ này sẽ được kích hoạt thêm một lần nữa nếu đà giảm này nới rộng lên mức 13% trước 15h25, và hoạt động giao dịch sẽ bị đình chỉ cho phiên đó nếu con số trên đạt đến mức 20%.

Hoạt động giao dịch đối với hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều sẽ bị ngừng nếu chế độ “ngắt tự động” được kích hoạt với chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ cho biết họ đều có các kế hoạch dự phòng nếu một sàn giao dịch nào đó phải đóng cửa.

Trong khi đó, phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số chứng khoán chủ chốt của Canada ghi dấu mức giảm mạnh nhất kể từ phiên 19/10/1987 và đồng nội tệ CAD chạm mức "đáy" của gần ba năm qua. Cụ thể, chỉ số chứng khoán TSX tại thị trường Toronto đóng phiên 9/3 với mức giảm 10,3% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/1987.

Chỉ số TSX "rơi tự do" trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu bị nhấn chìm bởi tâm lý lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) sẽ châm ngòi cho một đợt suy thoái kinh tế. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của công ty Cenovus Energy Inc giảm tới hơn 50%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục