Những thách thức đối với "sức mạnh" của EU sau Brexit (Phần 1)

06:00' - 16/02/2020
BNEWS Brexit là một sự kiện được so sánh như Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, làm đảo lộn cảnh quan châu Âu. Sau khi Anh rời EU, liên minh gồm 27 nước thành viên còn lại sẽ ra sao?
Những thách thức đối với "sức mạnh" của EU sau Brexit. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Ngày 31/1/2020, nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm quan hệ thăng trầm, và ba năm rưỡi “dùng dằng” đi ra. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mặt hình thức, bởi vì con đường đi đến cuộc chia tay “thật sự” được dự báo còn lắm chông gai.

Thay đổi thứ nhất liên quan đến số liệu. Sau Brexit, EU mất đi 66 triệu dân, cùng với 15% GDP của khối. Anh, từ một thành viên giờ trở thành "một nước cạnh tranh ngay ở cửa ngõ chúng ta”, theo nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau Brexit, EU chỉ còn một thành viên thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đó là Pháp. Mất mát thứ hai là sự trống vắng về mặt tư tưởng.

Cựu Thủ tướng Margaret Thatcher đã muốn biến thị trường nội địa của khối thành nền tảng cho việc xây dựng châu Âu. Anh đã hình thành được mạng lưới liên minh gồm Hà Lan, ba nước bán đảo Scandinavia và một phần Đông Âu để mang lại cho EU một hình ảnh tự do hơn.

Eric Maurice, phụ trách văn phòng tại Brussels của Quỹ Robert Schuman, nhận định: "Từ những năm 1990, và sau khi khối mở rộng năm 2004, cách nhìn của Pháp tại châu Âu đã bị thụt lùi”. Và Đức, nước đầu tàu kinh tế trong khối, được lợi nhất trong việc Liên minh châu Âu mở rộng thành viên. 

Việc Anh rời khỏi EU là một tổn thất cho khối. Sau khi nước Đức được thống nhất, EU đã ghi dấu ấn với quyết định lập đồng tiền chung châu Âu - đồng euro. Vậy sau Brexit, liệu 27 nước còn lại có khởi sắc không? Một số người coi đây là một cơ hội để tái lập một dự án chung. Một số khác lo ngại EU suy yếu nếu tiếp tục hoạt động như hiện nay.

Tuy nhiên, Brexit cũng có thể làm Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) mạnh hơn. Trên thực tế, dù là thành viên của EU, nhưng Anh thường “một mình một kiểu” từ năm 1973, thậm chí bị coi làm suy yếu khối này: Không tham gia khối đồng tiền chung châu Âu, không tham gia khối Schengen và thường xuyên yêu cầu được miễn trừ, như về mặt tư pháp và nội vụ.

Khi Anh (không thuộc Eurozone) rời khỏi EU, liên minh tiền tệ có thể sẽ trở nên mạnh hơn, chiếm khoảng 85% GDP của khối, thay vì gần 72% hiện nay. Và tỷ lệ này sẽ còn cao hơn vì Croatia và Bulgaria đang muốn tham gia Eurozone. Như vậy, "khối đồng tiền chung sẽ ngày càng trở thành động cơ cho EU", theo Enrico Letta, cựu Thủ tướng Italy, hiện là Chủ tịch Viện Jacques Delors.

Brexit cũng sẽ làm thay đổi cân bằng trong khối. Dự án "địa chính trị" của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người muốn xây dựng một châu Âu mạnh hơn, nhiều chủ quyền hơn và đầu tư vào xã hội nhiều hơn, có lẽ đã không có những ưu tiên như vậy nếu Anh can thiệp. London đã bớt tham gia vào các công việc của châu Âu kể từ năm 2016 sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Theo ông Nicolas Véron, đồng sáng lập cơ quan nghiên cứu Bruegel, bộ đôi Pháp-Đức vẫn là trung tâm của khối, nhưng hai nước không phải lúc nào cũng có chung quan điểm: Berlin thường nghĩ đến sức mạnh kinh tế, Paris thì nghĩ đến địa chính trị. Sự khác biệt này càng trở nên rõ ràng vào thời kỳ cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Đức Merkel.

Các nước nhỏ hơn trong khối không thể hiện thiên về Pháp hay Đức. Trong quá trình tái bố trí này, các chuyên gia về châu Âu chú ý quan sát Hà Lan, thường cùng phía với Anh, sẽ làm gì. Về một số chủ đề, Hà Lan thiên về lập trường của Pháp như tái đàm phán chỉ thị về lao động biệt phái.

Về những chủ đề khác, ví dụ ngân sách châu Âu, Hà Lan lại ngả về Berlin. Một chuyên gia thân cận với điện Elysée bình luận: "Mọi chuyện sẽ trơn chu trong khoảng một thời gian". Cả Paris và Berlin sẽ phải thận trọng tiến trong bối cảnh biến động này nếu như cả hai không muốn làm các bên căng thẳng.

Thị trường nội bộ Liên minh châu Âu với khoảng 450 triệu người tiêu dùng chắc chắn vẫn là đòn bẩy hàng đầu cho sự thống nhất châu Âu, "là chất kết dính chúng ta lại với nhau”, theo so sánh của một nhà ngoại giao. 

Ngoài ra, khả năng châu Âu thuyết phục Ba Lan cam kết vào mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2025, hoặc xây dựng một chính sách chung về nhập cư sau nhiều tháng bế tắc, cũng như định hướng về ngân sách đang được đàm phán sẽ là những bài trắc nghiệm đầu tiên về khả năng vươn dậy của EU sau Brexit. 

Mặt khác, chính cách đàm phán giữa London và Brussels về mối quan hệ tương lai cũng mang tính quyết định cho EU. Bởi một mặt, điều này giúp hạn chế những thiệt hại do Brexit gây ra, kể cả về địa chính trị. Đây cũng là phép thử về sự đoàn kết của 27 nước còn lại, mà trong cuộc đàm phán này, lợi ích của mỗi nước lại không tương đồng. Nếu 27 nước còn lại chia rẽ thì rõ ràng Brexit thực sự làm suy yếu Liên minh châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục