Sử dụng hiệu quả "chiếc cần câu" từ nguồn vốn chính sách

09:19' - 02/08/2019
BNEWS Nhờ vốn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình chị Đặng Thị Thủy, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên cũng đã đầu tư chăn nuôi lợn và vịt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay cho người dân. Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Từ một hộ nghèo phải chạy ăn từng bữa, đến nay gia đình chị Hoàng Thị Dung ở thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang. Người dân thôn Khau Pưởng ai cũng biết đó là thành quả của sự chăm chỉ lao động và sử dụng hiệu quả "chiếc cần câu" từ nguồn vốn chính sách.

Chị Dung chia sẻ, năm 2013 chị biết đến nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội qua Hội phụ nữ xã Lục Hồn. Có vốn trong tay, toàn bộ diện tích đất ruộng và vườn tạp trong gia đình chị đã được cải tạo và trồng 100 gốc cam. Nhờ sự chăm chỉ làm lụng, vườn cây của gia đình chị Dung phát triển tốt và liên tục được trồng mới. Cam cho thu hoạch, gia đình chị trả nợ đúng hạn và tiếp tục vay gối để mở rộng sản xuất. Qua 6 năm, từ 100 gốc cam ban đầu đã được nhân lên thành 500 gốc, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ riêng gia đình chị Dung, những năm qua đã có hàng chục nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và đã vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Lương Thị Hương ở thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng được Hội phụ nữ xã kết nối và "bén duyên" với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng và số vốn tự có, chị Hương đã kết hợp trồng cam với nuôi gia cầm. Sự cần mẫn đã giúp gia đình chị Hương có thu nhập khá từ mảnh vườn nhà. Nhờ vậy, gia đình chị đã thoát nghèo và đang tiếp tục mở rộng sản xuất.

Nhờ vốn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình chị Đặng Thị Thủy, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên cũng đã đầu tư chăn nuôi lợn và vịt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình chị đã thoát khỏi diện cận nghèo, vươn lên thành hộ khá giả trong vùng.

Để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đưa nguồn vốn vay đến các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Chính sách Xã hội từ tỉnh đến các huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể và các tổ, nhóm giao dịch tại cơ sở trong hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn. Bên cạnh việc thực hiện tốt cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, các hội, đoàn thể còn thực hiện tốt việc vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể triển khai và quản lý hiệu quả 16 chương trình tín dụng trong tổng số 18 chương trình tín dụng đang triển khai tại Quảng Ninh. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lượt hộ dân vay vốn phát triển sản xuất.

Hiện dư nợ cho vay chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 400 tỷ đồng, với trên 11.000 hộ vay. Vốn tín dụng đã được bà con sử dụng đúng mục đích và thực sự trở thành công cụ thoát nghèo hữu hiệu. Không những thế, thông qua vốn tín dụng chính sách cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trong nhân dân.

Ông Hoàng Văn Huỳnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bình Liêu, cho biết, tại địa bàn huyện, trung bình mỗi năm có khoảng 400 - 500 hộ thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Văn Lý cho biết: Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống, với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong số đó, có trên 85% dư nợ cho vay để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lý, thông qua vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp.

"Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực ổn định trong các cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của các tổ viên. Với những kết quả trên, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực và là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới", ông Nguyễn Văn Lý nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 1,1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113.000 lao động; trong đó hơn 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 8.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 760.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách./.

>>> Bắc Giang tăng nguồn vốn tín dụng phục vụ đối tượng chính sách xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục