ADB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 xuống 3,8%

12:48' - 22/09/2021
BNEWS Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại lớn cho các hoạt động kinh doanh và thị trường lao động, do đó, ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ mức 6,7% xuống còn 3,8%

Tại buổi họp báo trực tuyến diễn ra vào ngày 22/9 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức với chủ đề: "Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2021", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB nhận định, năm 2021 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện trong nửa đầu năm nhờ vào việc thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại.

Tuy nhiên, đợt đại dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra cuối tháng 4 tới nay đã gây thiệt hại lớn cho các hoạt động kinh doanh và thị trường lao động; thậm chí khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong nửa cuối năm nay.

Do đó, ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ mức 6,7% (mức dự báo trước đó) xuống còn 3,8%. Giả định rằng đến cuối năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và đến quý II năm 2022, tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vaccine trong cộng đồng chiếm 70% dân số thì dự báo tăng trưởng cho năm 2022 cũng sẽ điều chỉnh giảm chỉ còn 6,5% nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu trong nước, việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Đại diện ADB khuyến cáo, triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 và 2022 phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm và tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm 2022. Việc cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của Chính phủ là việc làm cần thiết và rất quan trọng vào lúc này để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch; đồng thời, hỗ trợ cho sự phục hồi trong ngắn hạn. 

Dự báo tỷ lệ lạm phát cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021, do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% khi tăng trưởng tăng tốc trở lại.

Đi vào phân tích, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho hay, dịch COVID-19 dự kiến sẽ kéo triển vọng tăng trưởng của năm 2021 đi xuống. Tình trạng thiếu hụt lao động do giãn cách xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão trong quý III và quý IV năm nay cùng với các biện pháp kiểm dịch được áp dụng đối với xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên tới đây, việc tiếp cận và mở rộng được các thị trường xuất khẩu sẽ được cải thiện nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do(FTA) và sự phục hồi của Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ... Tăng trưởng nông nghiệp dự kiến sẽ ở mức 2,7% vào năm 2021, ngang bằng so với năm 2020.
Việc kéo dài giãn cách xã hội ở các thành phố lớn có thể tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung lao động, gây tổn hại đặc biệt đến các ngành sản xuất thâm dụng nhiều lao động. Do vậy, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% của năm 2019.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các giao dịch trực tuyến và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính và y tế. Tuy nhiên, việc đóng cửa các khu du lịch và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành du lịch và làm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ từ mức 7,3% của năm 2019 xuống mức dự báo là 3,3% trong năm nay.
Dịch COVID-19 và việc giãn cách xã hội kéo dài dự kiến sẽ làm tiêu dùng và đầu tư sụt giảm trong năm 2021. Tình trạng thiếu lao động, thủ tục giải phóng mặt bằng chậm, chi phí vật liệu xây dựng tăng và mùa mưa bão trong quý III và quý IV sẽ làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các thủ tục rườm rà và không rõ ràng đã hạn chế việc giải ngân các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 31/8 có khoảng 32% của chương trình hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 1 tỷ USD đã được giải ngân. Mặc dù chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tăng trưởng, nhưng lại khó có thể kích cầu trong nước do chi tiêu của Chính phủ bị hạn chế khi ngân sách ngày càng trở nên khó khăn và dự kiến mức bội chi là 5% GDP năm 2021, cao hơn một chút so với chỉ tiêu.
Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức từ 10 –11% trong năm 2021, thấp hơn so với chỉ tiêu 12% đã đề ra. Vào tháng 9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng thông qua việc tái cơ cấu nợ và duy trì phân loại nợ; miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có và kéo dài cho vay ưu đãi đến ngày 30/6/2022. Cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.
Sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nước ngoài như: Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ... sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam đối với các ngành hàng như: dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại di động. Tuy nhiên, việc đóng cửa các trung tâm công nghiệp lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long lại hạn chế năng lực sản xuất, dẫn đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác. Dù dòng vốn và giải ngân FDI tăng nhẹ trong tháng 7 và tháng 8 năm nay nhưng khó có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2021 do các nhà máy đóng cửa và thiếu lao động, ông Cường nhận định./.


 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục