An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 4: Phương châm bốn “tại chỗ”

07:09' - 07/11/2016
BNEWS Công ty Truyền tải điện 3 đã đảm bảo lưới điện quản lý vận hành an toàn liên tục, không để xảy ra trường hợp mất điện do lụt bão với phương châm bốn “tại chỗ”.

Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia) được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải cấp điện áp 220kV và 500kV trên địa bàn các tỉnh Nam miền Trung, Tây Nguyên và Cao Nguyên, gồm các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.

Công nhân Truyền tải điện Gia Lai chuẩn bị trang thiết bị phục vụ công tác sửa chữa sự cố. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Từ năm 2015 đến hết tháng 10/2016, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân các địa phương có đường dây đi qua, Công ty Truyền tải điện 3 đã đảm bảo lưới điện quản lý vận hành an toàn liên tục, không để xảy ra trường hợp mất điện do lụt bão với phương châm bốn “tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Công ty cho biết, cùng với việc kiện toàn lực lượng phòng chống lụt bão từ Công ty đến các đơn vị trực thuộc, Công ty còn kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng chống lụt bão theo phương án đã lập cũng như chỉ huy lực lượng phòng chống lụt bão khi có lụt bão xảy ra trên địa bàn Công ty quản lý.

Theo ông Trần Xuân Hùng, Phó Phòng An toàn, ngay trong tháng 3 và tháng 5/2016, Công ty đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống lụt bão các đơn vị trực thuộc.

Đánh giá chung cho thấy, các đơn vị được kiểm tra rất quan tâm đến công tác phòng chống lụt bão từ việc lập phương án, tổ chức kiểm tra, đặc biệt là các vị trí xung yếu của các tuyến đường dây, các trạm biến áp có nguy cơ úng ngập cục bộ, công tác diễn tập ứng phó khi lụt bão xảy ra, đến công  tác chuẩn bị phương tiện, vật tư dụng cụ, hậu cần, y tế luôn đảm bảo sẵn sàng.

Đến tháng 7/2016, Công ty đã tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão cấp Công ty tại Ninh Thuận với tình huống giả định "Do mưa bão, lũ lớn tại khu vực tỉnh Ninh Thuận làm đường dây 220kV Tháp Chàm - Nha Trang tại vị trí 128 bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của đường dây.

”Sau diễn tập, Công ty tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm chủ động trong quá trình xử lý sự cố khi có lụt bão, lũ quét xảy ra, chú trọng phương châm 4 « tại chỗ » ,’’ ông Hùng cho biết.

Đặc biệt, đối với chính quyền địa phương, các đơn vị truyền tải điện trực thuộc đã ký biên bản phối hợp công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện nơi có lưới điện Công ty đi qua.

Các truyền tải điện còn ký biên bản phối hợp công tác phòng chống lụt bão với các đơn vị trong ngành trong địa bàn.

Đơn cử như Truyền tải điện Gia Lai ký với Công ty Điện lực Gia Lai và Chi nhánh điện cao thế Gia Lai thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung

Đơn vị này còn ký với các đơn vị giáp ranh Công ty Truyền tải điện 3 trong địa bàn quản lý như Truyền tải điện Đắk Lắk.

Truyền tải điện Phú Yên ký với Truyền tải điện Khánh Hoà. Định kỳ hàng năm các đơn vị ký biên bản rà soát các nội dung trong biên bản phối hợp.

Hiện nay một số tỉnh như Khánh Hoà, Đắk Lắk và Ninh Thuận đã có văn bản chỉ đạo các ngành, đơn vị phối hợp đảm bảo an toàn vận hành lưới điện truyền tải ; trong đó có nội dung về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn, an ninh lưới điện truyền tải.

Hàng năm, Công ty còn tổ chức các đợt tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không thả diều, vật bay gần khu vực đường dây đi qua, kết hợp tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm an toàn điện trong mùa mưa bão cho nhân dân.

Về phía Công ty chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ thi công, trang bị bảo vệ cá nhân, y tế, hậu cần cùng các phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão đảm bảo phục vụ kịp thời khi có lụt bão xảy ra.

Tuỳ theo tình hình cụ thể, Công ty sẽ điều động  nhân lực, phương tiện cần thiết đảm bảo đủ cơ số xử lý nhanh nhất khi có sự cố do lụt bão gây ra.

Ngoài sử dụng các phương tiện vận chuyển hiện đang được trang bị tại đơn vị, trong trường hợp cần thiết, Công ty sẽ điều động thêm phương tiện hỗ trợ như: xe cẩu Tadano 3 tấn, 8 tấn, 20 tấn, xe cẩu MAZ 14 tấn, xe guồng, xe thang, xe nâng, xe ủi và các loại phương tiện khác.

Công ty hiện có 4 canô máy sẵn sàng ứng cứu cho các khu vực bị ngập lụt, trang bị cho các đơn vị truyền tải các loại xuồng để thích ứng với điều kiện địa hình.

Các đơn vị trực thuộc đến các tổ sản xuất đều được trang bị lều bạt tuỳ vào phạm vi khu vực quản lý.

Các phương tiện cứu hộ khác như: áo phao cứu sinh, áo đi mưa, đèn chiếu sáng xử lý sự cố hàng năm đều được trang bị đầy đủ cho các đơn vị.

Ngoài ra, để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có sự cố do lụt bão gây ra, ngoài các kênh thông tin như: điện thoại bưu điện, điện thoại nội bộ, máy fax, điện thoại di động, tại các đơn vị, trạm biến áp còn được trang bị các máy bộ đàm 5W và 50W, trang bị đủ các bình ắc qui, máy phát điện.

Trước và trong mùa mưa bão năm nay, theo thống kê của Phòng An toàn, Công ty Truyền tải điện 3, có 735 vị trí cột xung yếu trên các tuyến đường dây đã được các đơn vị truyền tải điện kiểm tra; Nạo vét, khơi thông dòng chảy và mương thoát nước 697 vị trí móng cột các đường dây; Nạo vét, khơi thông dòng chảy mương thoát nước trong trạm biến áp 9.727 m.

Đồng thời, các đơn vị còn hoàn thành xây kè móng phục vụ phòng chống lụt bão 14 vị trí cột; Đào đắp 1.205m3 đất, sửa chữa các vị trí móng cột để phục vụ công tác này./.

An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 1: Địa hình phức tạp

An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 2: Lấy địa phương làm gốc

An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 3: Chủ động phòng ngừa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục