Báo Jakarta Globe cảnh báo về cuộc đua giảm thuế

05:30' - 30/01/2018
BNEWS Theo chuyên gia kinh tế Wahyu Nuryanto, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách thuế MUC, Indonesia, các quốc gia cần tỉnh táo trong việc cắt giảm thuế.
Các quốc gia cần tỉnh táo trong việc cắt giảm thuế. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo bài viết đăng trên báo Jakarta Globe, Mỹ đang chuẩn bị áp dụng chính sách cải cách thuế lớn cho giai đoạn 2018-2025, sau khi dự luật về cắt giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp này được thông qua. Điều này có thể khiến các nước khác thực hiện chính sách tương tự và hậu quả là châm ngòi cho một cuộc đua giảm thuế trên toàn cầu.
Hai trong số các điểm chính của dự luật trên bao gồm đề xuất giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 21% từ mức 35% đối với doanh nghiệp có mức thu nhập trên 10 triệu USD và giảm thuế thu nhập cá nhân xuống còn 37% từ mức 39,6% hiện nay. 
Khung thu nhập chịu mức thuế cao nhất cũng được điều chỉnh tăng lên, với 500.000 USD (độc thân) và 600.000 USD (cặp vợ chồng) so với mức 426.700 USD (độc thân) và 480.050 USD (cặp vợ chồng) hiện nay.
Dự luật mới cũng quy định rằng người nộp thuế hồi hương tài sản dưới hình thức tiền mặt hoặc tài sản từ thu nhập nước ngoài phải chịu thuế suất 15,5%. Tỷ lệ này chỉ còn 8% khi thu nhập từ nước ngoài được tái đầu tư trong nước. 
Hơn nữa, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng điều chỉnh tính chất hệ thống thuế của Mỹ từ toàn cầu sang lãnh thổ, trong khi bỏ qua việc đưa ra một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thay thế.
Tổng thống Trump tuyên bố đây sẽ là đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cải cách gây nhiều tranh cãi được coi là nỗ lực lớn của ông Trump nhằm khôi phục nền kinh tế Mỹ vốn đang phục hồi từ cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vấn đề chạy đua giảm thuế không phải là mới. Tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm, song song với các biện pháp “né thuế”, ví dụ như các công ty chuyển lợi nhuận sang những quốc gia hay vùng lãnh thổ được gọi là “thiên đường thuế” để trốn thuế, hoặc những nước có mức thuế thấp hoặc thậm chí thuế suất bằng 0.
Mặt khác, gần như tất cả các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhu cầu tăng ngân sách để chi cho các dự án phát triển, sau khi chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 
Chính sách giảm thuế suất đã trở thành một trong nhiều lựa chọn của nhiều quốc gia nhằm thu hút đầu tư, chưa kể các ưu đãi về thuế khác nhau cũng như những biện pháp khác thường được áp dụng.
Mỹ, Australia, Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia nằm trong số nhiều nước có kế hoạch giảm thuế. Indonesia dường như cũng muốn cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức tương đương với các nước ASEAN. 
Mỗi quốc gia đều có quyền quản lý hệ thống thuế của mình, tuy nhiên, xét đến tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và đầu tư - cả song phương và đa phương - cần phải thực hiện một hệ thống thuế công bằng.
Chính sách cắt giảm thuế có thể có tác động tích cực ngắn hạn bằng cách thúc đẩy sức mua, thu hút đầu tư nhưng về lâu dài, việc giảm mạnh mà thiếu sự tối ưu hóa các nguồn thu mới có nguy cơ trở thành một quả bom hẹn giờ có thể hủy hoại nền kinh tế bất cứ lúc nào. 
Trong trường hợp của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump nên nhận thức được hậu quả tiềm tàng của việc giảm thuế này bởi dự luật thuế mới có thể làm giảm doanh thu của các bang lên tới 1.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo. Mặt khác, ngân quỹ đang khát tiền thuế để bổ sung vào quỹ an sinh xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho hàng triệu người dân.
Khoảng 45 triệu người Mỹ được hưởng các khoản trợ cấp an sinh xã hội, kể cả lương hưu trong năm 2017 và con số này được dự báo sẽ tăng lên đến 60 triệu người vào năm 2027. Do đó, người ta dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên gấp ba lần trong vòng 10 năm tới so với mức 487 tỷ USD năm 2017. 
Nếu các rủi ro không được dự đoán và quản lý đúng đắn, nợ công có thể kéo nền kinh tế Mỹ vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới thậm chí còn tồi tệ hơn.
Do quá trình toàn cầu hóa, một cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế Mỹ có thể biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu nhiều quốc gia quyết định thực hiện các chính sách thuế tương tự, rủi ro sẽ còn lớn hơn nữa. 
Do đó, tác giả bài viết khuyến nghị Nhóm G20 cần thực hiện những nỗ lực để ngăn chặn một sự cạnh tranh về chính sách thuế trên toàn cầu.
Một rủi ro khác mà Mỹ nên cân nhắc là tác động tiềm tàng của sự thay đổi trong hệ thống thuế của mình, từ tính chất toàn cầu thu hẹp vào khuôn khổ lãnh thổ. 
Mặc dù có mục tiêu khuyến khích đầu tư thông qua cắt giảm thuế, ngược lại, chính sách cải cách thuế này cũng có thể thúc đẩy nhà đầu tư rót vốn ra nước ngoài vì hệ thống đánh thuế lãnh thổ chỉ xét đến các thu nhập có được từ trong nước, trong khi thu nhập ở nước ngoài được miễn thuế.
Mỗi chính sách luôn đi kèm với ưu và nhược điểm. Indonesia cũng đang trong quá trình sửa đổi luật thuế của mình. Thời cơ cải cách thuế đang nổi lên, bao gồm cả khả năng giảm thuế suất, thông qua việc sửa đổi luật thuế đã được đưa vào Chương trình Lập pháp Quốc gia 2018. 
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, Indonesia không nên chỉ làm theo chính sách thuế của Mỹ một cách đơn thuần mà cần quan tâm đến sự cân đối và nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như xã hội.

           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục