Không để giải phóng mặt bằng trở thành “điểm nghẽn” đầu tư

13:37' - 24/07/2021
BNEWS Sáng 24/7, Quốc hội khoá XV đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tại phiên thảo luận ở tổ sau đó, phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh nội dung này.
*Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre): Ưu tiên đầu tư các dự án mang tính liên kết vùng
Theo Tờ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, số lượng dự án đầu tư công giảm còn 5.000 dự án, giảm một nửa so với kế hoạch 10.000 dự án của giai đoạn trước đó.

Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung ưu tiên chất lượng các dự án, không chạy theo số lượng nhằm tạo sự lan tỏa trong nền kinh tế. Các dự đầu tư công phải là những dự án quan trọng của từng lĩnh vực, ngành, địa phương.
Chính phủ đã đưa ra các tiêu trí trong nguyên tắc phân bổ vốn của đầu tư công trung hạn với quan điểm đầu tư công là nguồn vốn dẫn dắt tạo sức lan tỏa, hỗ trợ cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, vị trí ưu tiên cũng cần cân nhắc thêm, không nhất thiết chỉ ưu tiên dành vốn cho dự án dang dở. Bởi có những dự án mới nhưng có ý nghĩa quan trọng, tác động đến phát triển kinh tế của cả vùng, cả khu vực có thể cần thiết hơn.
Một số dự án có tính kiên kết vùng trọng điểm, đơn cử như vùng Đồng bằng sông Cửu Long với dự án 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang. Nếu nhìn nhận đây là dự án đường giao thông thì không nên rót vốn để hoàn thành trong giai đoạn này. Vì còn liên quan đến kết nối cao tốc, các tuyến dọc ngang kết nối vùng.
Tuy nhiên, đây lại là tuyến đường ven biển có tầm quan trọng đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh trong khu vực này. Cụ thể, sẽ tái sắp xếp lại dân cư, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, phát huy những ngành nghề thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long như hải sản, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đánh bắt, hậu cần nghề cá...; phát triển đô thị ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng an ninh...
Nếu nhìn nhận ở góc độ này, việc hoàn thành tuyến đường ven biển này sẽ kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và đặc biệt Tp. Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng. Do đó, dự án này cần được ưu tiên thực hiện hoặc chia thành từng giai đoạn thực hiện. Trong đó, việc rót vốn đầu tư sẽ được ưu tiên và tùy thuộc vào điều kiện đảm bảo thực hiện giải ngân vốn của từng địa phương trên tuyến.
Có thể nói, hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế, Chính phủ, Quốc hội cần ưu tiên nguồn lực kết nội hạ tầng giao thông cho khu vực này. Các dự án quốc lộ còn dang dở như Quốc lộ 57, đoạn từ Vĩnh Long qua Bến Tre chuẩn bị kết nối với Trà Vinh cũng cần tiếp tục được bố trí vốn để hoàn thành giai đoạn 2021-2026. Đây đều là những các công trình trọng điểm mang tính tính kết nối vùng.
*Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang): Hoàn thiện cơ sở pháp lý để kịp thời thực hiện các dự án
Giai đoạn qua, đầu tư công tiếp tục góp phần thay đổi bộ mặt chung quốc gia, tạo bước phát triển mới trongtổng thể nền kinh tế. Riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn trước chỉ có 40 km cao tốc đến giai đoạn này đã có nhiều khởi sắc thông qua một loạt dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã thực hiện đầu tư và sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hay như cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nối Đồng Tháp với Kiên Giang đã thông xe, tạo trục kết nối để phát triển khu vực phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, giai đoạn tới, với mục tiêu phấn đấu 5.000 km đường cao tốc thì danh mục đầu tư có lẽ chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi đầu tư trục dọc đã cơ bản ổn định, trục ngang chưa đầy đủ nhưng cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá- Bạc Liêukhông được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2026.
Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét đối với dự án này. Khi cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá- Bạc Liêu sẽ kết nối tuyến đường Cần Thơ - Cà Màu –Tp. Hồ Chí Minh hình thành liên kết vùng, thậm chí tạo vành đai kết nối khu vực Đông Nam Á giữa Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Từ đó thu hút nguồn lực, nhất là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư, tăng giao thương hàng hoá giữa các nước, vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, cần giải quyết một số tồn tại về hành lang pháp lý; trong đó, có vấn đề giải phóng mặt bằng nằm trong quá trình thực hiện dự án.

Vấn đề này đã từng xảy ra tại dự án Sân bay Long Thành, nếu sau đó Quốc hội không đồng ý tách việc giải phóng mặt bằng ra khỏi hạng mục đầu tư chung thì rất lâu có thể thực hiện được.
Hiện chỉ có các dự án đầu tư trọng điểm cấp quốc gia mới được tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi quá trình thực hiện dự án. Trong khi đó, đối với tất cả các dự án, nếu tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án riếng tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư.

Vì việc giải phóng mặt bằng hiện nay rất phức tạp, không thể làm được ngay còn liên quan và ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Ngay cả các khâu đánh giá cả bồi thường, tái định cư... cũng cần có thời gian.
Hay như pháp luật về ngân sách, đấu thầu cũng cần phải phải sớm xem xét sửa đổi. Thực tế, hồ sơ, thủ tục vẫn nhiều, dự án kéo dài, không tránh được tình trạng giải ngân vốn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục