Bình Thuận, điểm sáng trong phân phối hàng hóa về miền núi

16:58' - 23/07/2019
BNEWS Qua 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Thuận đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân,từng bước thay đổi thói quen mua sắm người tiêu dùng.
Người dân mua sắm tại phiên chợ đưa hàng hóa về nông thôn, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu só, vùng sâu vùng xa. Ảnh: Thanh Sang- TTXVN

Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận chú trọng các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận trong 10 năm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 37 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn (trong giai đoạn 2009- 2014 chỉ tổ chức 10 phiên chợ) về các huyện miền núi, hải đảo như: đảo Phú Quý, huyện Đức Linh, huyện Bắc Bình…

Hơn 700 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia chương trình với các hoạt động phong phú, thu hút được người dân địa phương và các vùng lân cận tham quan, mua sắm.

Ngoài các nhu yếu phẩm thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm… các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm khoa học, công nghệ, giải pháp sản xuất mới…

Tổng doanh số bán hàng trong các chương trình đạt hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vào các dịp Tết nguyên đán, Tết cổ truyền của các dân tộc…

Hội nông dân, các doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ hàng Việt về miền núi, chương trình bán hàng lưu động phục vụ nhân dân tại các xã vùng cao, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận là “điểm sáng” trong việc thực hiện hiệu quả chương trình này.

Ngoài chức năng đầu tư ứng trước giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, trung tâm còn tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con thông qua 11 cửa hàng và 3 đại lý trực tiếp đóng chân tại 11 xã vùng cao, xã thuần đồng bào dân tộc thiếu số.

Tại các điểm bán hàng, giá cả được niêm yết công khai, hàng hóa chủ yếu là hàng Việt Nam có thương hiệu, chất lượng, đảm bảo thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh, ngoài cung ứng hàng hóa xuống từng đại lý, Trung tâm còn tạm ứng tiền mặt (từ 30 - 50 triệu) để các cửa hàng, đại lý chủ động mua bán các sản phẩm khác phục vụ bà con như: các mặt hàng tươi sống, quần áo, mỹ phẩm… góp phần phong phú mặt hàng gắn với bình ổn thị trường tại các địa phương.

Đặc biệt, vào các dịp Tết đầu lúa của 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình, Tết Nguyên đán…, trung tâm tổ chức bán hàng bình ổn giá lưu động phục vụ bà con. Giá bán bằng hoặc thấp hơn thị trường tại cùng thời điểm.

Các mặt hàng bình ổn giá như: gạo, dầu ăn, đường… đều đảm bảo đủ số lượng theo nhu cầu của thị trường với tổng giá trị hàng năm khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết, cùng với việc song song thực hiện cung ứng hàng hóa theo nhu cầu và tạm ứng tiền mặt để các cửa hàng mua sắm thì nhìn chung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong các dịp lễ, tết.

Từ đó, nhận thức và thói quen sử dụng, lựa chọn hàng Việt Nam trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Đồng bào tin tưởng vào chất lượng hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước.

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Thuận, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo không chỉ đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, giúp người dân tiếp cận những sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý mà còn giúp cho các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn để có chiến lược phát triển sản xuất, hàng hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục