Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Internet an toàn hơn, đất nước thịnh vượng hơn

16:16' - 17/04/2019
BNEWS Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

"Năm 2019 không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin. Một Hub về chia sẻ thông tin an toàn, an ninh mạng của ASEAN sẽ được hình thành tại Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh mạng" - là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019) với chủ đề: “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số” ngày 17/4 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, an toàn, an ninh không gian mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, tạo ra môi trường an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số.
“Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Không gian mạng là tương lai của thế giới. Cường quốc an ninh mạng thì cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực.

Cùng một vạch xuất phát với tất cả các nước khác, lại có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với khát vọng dân tộc hùng cường, và với một giấc mơ lớn, tài nguyên vô tận trong não mỗi người Việt Nam sẽ được khai thác và chúng ta có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hòa bình thế giới”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, từ năm 2019, các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam; giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng; đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, có khả năng phục hồi khi bị tấn công.

Mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là xu hướng quan trọng mang tính sống còn đối với mỗi quốc gia để hình thành và thúc đẩy nền kinh tế số - xã hội số. Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Chia sẻ thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông đang được giao nhiệm vụ soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chỉ thị nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn, an ninh mạng của đơn vị mình. Mỗi đơn vị cũng phải tổ chức lực lượng an toàn, an ninh mạng tại chỗ, đồng thời phải có đơn vị chuyên trách bên ngoài cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Kiểm thử xâm nhập, đánh giá mức độ và quản lý rủi ro về an toàn, an ninh mạng phải được thực hiện thường xuyên…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Dự thảo Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2018 của Liên minh Viễn thông quốc tế đã xếp Việt Nam ở vị trí 50/175 trong số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (năm 2017 Việt Nam ở vị trí 101); thứ 11 trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương; thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Dịp này, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018, theo tứ tự từ A đến E.

Theo đó, trong số 90 cơ quan bộ, ngành, địa phương được đánh giá, không có cơ quan nào xếp loại A và loại E, số cơ quan loại C nhiều nhất, cho thấy không có cơ quan nào là chưa quan tâm triển khai biện pháp an toàn, an ninh mạng, nhưng chưa có cơ quan nào được đánh giá triển khai tốt.
Khảo sát của Cục An toàn thông tin cũng cho thấy chỉ có 49,4% cơ quan có đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn thông tin. Cơ quan nào có đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thông tin thì xếp hạng cao hơn.

Bên cạnh đó, trong số các bộ, ngành được khảo sát, chỉ có 25,3% có khả năng ghi nhận các cuộc tấn công mạng, có những cơ quan mua sắm thiết bị để đảm bảo an toàn thông tin, nhưng không đủ lực lượng để vận hành. Hầu hết các cơ quan lúng túng, chậm xử lý khi bị tấn công…
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết, ra mắt Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” giữa Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Viettel, VNPT, BKAV, FPT, CMC.
Bên cạnh hội nghị và hai hội thảo chuyên đề kỹ thuật về “Giám sát an toàn, an ninh mạng và bảo vệ trung tâm dữ liệu”, “Phòng ngừa mã độc, cửa hậu và lộ lọt thông tin” là Chương trình Triển lãm các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ lĩnh vực an toàn, an ninh mạng với sự tham gia của 26 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như (Viettel, BKAV, FPT, Netnam, Vnetwork, VSEC, RSA, Fortinet, Checkpoint, HPE, Samsung, NIPA, One Identify, Huawei, Parasoft, Ahnlap, Keysight, Bizsecure, Techdata,...) và Chương trình Trình diễn trực tiếp công nghệ bảo mật (Security Live Demo) về các tình huống an toàn, an ninh mạng…
Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thu hút sự tham gia của các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức, hiệp hội và hội, cùng nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…/.
Xem thêm:

>>Việt Nam hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số

>>Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp để tạo nguồn nhân lực 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục