Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Cần tập trung sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng

12:14' - 16/11/2017
BNEWS Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn và thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quản lý nợ công và những giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn và thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quản lý nợ công và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nợ công tăng cao trong thời gian qua, áp lực trả nợ lớn, do đó, việc chúng ta cần có lộ trình giảm dần bội chi để đảm bảo an toàn nợ công là cần thiết. Bộ Tài chính cũng đã tổng kết đánh giá báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, cũng đã giới hạn các chỉ tiêu về an toàn nợ công, đó là trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ đối ngoại quốc gia là không quá 50%.
Trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt rất nhiều các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, hiện nay Quốc hội cũng đang thảo luận và sẽ thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng ban hành Nghị định 02 về tăng cường quản lý nợ công, tăng cường việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý ODA, quản lý sử dụng nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 1/1/2017, chúng ta tốt nghiệp nguồn vốn IDA (nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới). Trong thời gian tới, chúng ta vay Ngân hàng Thế giới, chủ yếu là vay IDA kết hợp với vay ưu đãi.
Cho nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung vào việc sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng và có tác động lan tỏa. Từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công, tiếp đến là xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và cắt giảm bội chi.
“Kiểm soát được bội chi là cực kỳ quan trọng, là kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công cũng như kiểm soát trần nợ công. Và trong đó, có giải pháp là chúng ta cần thắt chặt bảo lãnh Chính phủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, trong năm nay, Chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào, đặc biệt là các dự án của doanh nghiệp; Chính phủ có giải ngân các dự án được bảo lãnh trước và 2 ngân hàng chính sách trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như trong Nghị quyết của Quốc hội là chúng ta chỉ bảo lãnh cho phát hành ngang bằng với số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.
Giải pháp tiếp theo cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đó là Quốc hội đã có Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm. Như vậy, trong điều hành cần cương quyết bám sát Nghị quyết 5 năm này, đặc biệt là các chỉ tiêu về bội chi liên quan đến nợ công.
Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn ODA, vay ưu đãi, hiện nay chúng ta cũng đã kiên quyết trong giới hạn Quốc hội đã thông qua 300.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn. Bộ trưởng khẳng định, đúng là có vấn đề phát sinh nhưng vẫn đang nằm trong kế hoạch, trong giới hạn mà Quốc hội đã thông qua.
“Chúng ta cũng cần đảm bảo cân đối bố trí trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Điều này rất quan trọng và trong kế hoạch chúng ta cũng đã có; tiếp đến là tăng cường thanh tra, kiểm tra, minh bạch tài chính công; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán.
Thời gian vừa qua, với các giải pháp này, các ngành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tài chính, các cấp cũng đã vào cuộc, dù vẫn còn những tồn tại nhưng từng bước cũng đã xử lý được", Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục