Bốn nội dung đánh giá thực thi Luật An toàn, Vệ sinh lao động

19:48' - 21/06/2022
BNEWS Ngày 21/6, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tổng kết thực thi 5 năm (2016-2021) thực thi Luật An toàn, Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) xem xét, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành tổng kết, đánh giá thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động trên 4 nội dung chính: Công tác triển khai thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động Lao động, bao gồm cả việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Tình hình thực hiện các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm: các tác động tích cực, sự thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống văn bản pháp luật, các điều ước quốc tế và xác định các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh, giải quyết; Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; Đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật An toàn, vệ sinh lao động.

1500 ý kiến với 510 nội dung thuộc 17 nhóm vấn đề được các bộ, ngành, doanh nghiệp gửi tới như: Quyền, nghĩa vụ của người lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động; tổ chức bộ máy ATVSLĐ; vai trò của tổ chức đại diện người lao động; danh mục nghề nặng nhọc độc hại; kiểm soát các yếu tổ nguy hiểm có hại, đánh gia rủi ro; Huấn luyện; Kiểm định, quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; quan trắc môi trường lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN); trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, Bồi dưỡng hiện vật; báo cáo TNLĐ, điều tra TNLĐ, thanh tra kiểm tra ATVSLĐ …

Theo Ts Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ngay sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 được ban hành, từ năm 2015 đến năm 2021, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và trình ban hành, ban hành 106 văn bản điều chỉnh trực tiếp và 23 văn bản có liên quan đến nội dung an toàn, vệ sinh lao động; ban hành các quyết định công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần, hết hiệu lực toàn bộ.

Nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở kết dư cân bằng quỹ, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định mức đóng bảo hiểm hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0.5 % và 0,3% năm 2020 và mức 0% từ 1/7/2021- 1/7/2022 cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngày 05/01/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 05/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020. Ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động 2016-2020. Các chương trình này cũng đã góp phần thúc đẩy, triển khai đưa công tác an toàn, vệ sinh lao động vào cuộc sống.

Ngoài ra, Quốc hội cũng thông qua Bộ luật Lao động (2019), Luật Hàng hải (2015), Luật Lâm nghiệp (2017) có một số nội dung liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động.

Đánh giá về Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV nhận định: Về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với Luật ATVSLĐ và văn bản quy phạm pháp luật cửa cơ quan nhà nước cấp trên. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.

Công tác triển khai và giám sát thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất, đồng bộ, kịp thời và nhận được sự đồng thuận của người lao động và người sử dụng lao động.

Ts Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh lao động cũng cho biết, quá trình soạn thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 (từ năm 2013 - 6/2015), dù dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động đã cố gắng tiếp thu cơ bản tinh thần của dự thảo Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập, nội dung của Luật An toàn, vệ sinh lao động vẫn vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quá trình triển khai khi mở rộng đối tượng điều chỉnh tới khu vực không có quan hệ lao động, điều chỉnh mở rộng phạm vi các hoạt động phòng ngừa từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng một số quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất với nội dung của các Luật được Quốc hội ban hành như: Bộ Luật lao động 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2015, và các Luật chuyên ngành như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Điện lực, Luật Hóa chất 2007, Luật Hàng hải 2015.

Một số quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn còn chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường như: các quy định về chủ thể tham gia các hoạt động dịch vụ huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường lao động,...; chưa theo kịp sự phát triển của xã hội như: quy định các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp, được tính theo mức lương cơ sở, không đủ trang trải, bù đắp các chi phí trong cuộc sống cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...; chưa đáp ứng các yêu cầu của hội nhập thương mại quốc tế như: các quy định về thừa nhận các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế của các quốc gia khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với các hàng rào kỹ thuật thương mại; chưa bình đẳng giữa các chủ thể mà Luật điều chỉnh như: hưởng các chế độ hỗ trợ hoạt động phòng ngừa theo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng như chế độ hỗ trợ hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Hay có những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động còn chưa khả thi khi áp dụng chung trong thực tế, chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn trong thực tế hoặc chưa giao dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện như: Quy định về cấp chứng chỉ y tế lao động; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tự nguyện; điều tra tai nạn khu vực không có hợp đồng lao động; giao trách nhiệm quy định điều tra tai nạn lao động những lĩnh vực đặc thù như tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt, bức xạ hạt nhân.

Một số quy định pháp luật cấp dưới còn chồng chéo, chưa đúng nguyên tắc một việc giao một cơ quan, được ban hành chưa đúng thẩm quyền như: giao chức năng thanh tra, kiểm tra cho các đơn vị sự nghiệp có thu, dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, cạnh tranh không lành mạnh, chưa đúng quy định tại Điều 89 của Luật An toàn, vệ sinh lao động về cơ quan thanh tra an toàn, vệ sinh lao động; phí bảo hiểm chồng phí; doanh nghiệp vẫn phải thực hiện văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền….

Chất lượng soạn thảo và ban hành một số điều luật trong một số văn bản quy chi tiết chưa cao, chưa nghiên cứu kỹ thực tiễn nên khi ban hành không có tính khả thi hoặc chỉ mang tính hình thức làm ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự của doanh nghiệp, ý nghĩa của việc ban hành chính sách như: quy định về lực lượng sơ cấp cứu bên cạnh bộ phận y tế doanh nghiệp, đào tạo cấp chứng chỉ y tế lao động; hoạt động hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các quy định về khám, giám định bệnh nghề nghiệp; đo kiểm môi trường để thực hiện bồi dưỡng hiện vật.

Ở góc độ quản lý về chăm sóc sức khoẻ người lao động, quan trắc môi trường lao động, ông Phạm Xuân Thành, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết, Cục nhận được 50 câu hỏi vướng mắc khi thực thi Luật liên quan đến hoạt động quan trắc môi trường lao động; chăm sóc sức khoẻ người lao động; thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp…

Từ những vấn đề phát sinh trong thực tế, Cục Quản lý môi trường y tế kiến nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Sửa Luật Đầu tư làm rõ và bổ sung các mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho phù hợp với các luật chuyên ngành đối với đơn vị quan trắc môi trường lao động. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định 88/2020/NĐ-CP: Loại bỏ bớt điều kiện để NLĐ có đóng BHXH được hưởng quyền lợi khám phát hiện và điều trị BNN khi bị mắc BNN; Quy định rõ ràng đối với điều kiện hỗ trợ kinh phí cho cơ sở lao động thực hiện huấn luyện về VSLĐ, phục vụ hiệu quả cho công tác dự phòng BNN và TNLĐ; Bổ sung quy định cho phép sử dụng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho công tác dự phòng, giao cho các đơn vị kỹ thuật của ngành y tế tại các khu vực (Các Viện Y tế dự phòng) nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng và hiệu quả đối với hoạt động QTMTLĐ, khám, chẩn đoán và điều trị BNN đúng và đủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục