Bốn sai lầm phía sau các cuộc khủng hoảng châu Âu

07:01' - 29/03/2016
BNEWS "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 27/3 đăng bài viết của nhà báo Wolfgang Münchau, Phó Tổng Biên tập tờ báo này, chỉ ra những sai lầm đằng sau nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu.
Bốn sai lầm phía sau các cuộc khủng hoảng châu Âu. Ảnh: TTXVN

Theo tác giả, lần đầu tiên trong đời ông thấy rằng tiến trình hội nhập châu Âu đang bị tụt lùi. Với sự nhận thức muộn màng, EU đã sai lầm khi xây dựng một khu vực đồng tiền chung mà thiếu đi một liên minh ngân hàng thích hợp.

EU cũng đã sai lầm khi tạo ra một khu vực đi lại không cần thị thực mà không có một lực lượng cảnh sát biên giới và chính sách nhập cư chung. Chưa kể, việc mở rộng EU, theo tác giả, tuy không sai lầm về nguyên tắc nhưng sai về sự vội vàng trong việc thực hiện.

Nhà báo Münchau cho rằng sai lầm cốt yếu của châu Âu là quyết định lúng túng khi giải quyết cuộc khủng hoảng Eurozone. Ban lãnh đạo chính trị của châu Âu đã không tạo dựng được một liên minh chính trị và kinh tế. Thay vào đó họ chỉ cố gắng tối thiểu để tồn tại qua ngày. Ông cho rằng chính sách sai lầm thể hiện qua bốn vấn đề dưới đây dẫn tới sự bất ổn ngày càng lớn của EU hiện nay.

Thứ nhất, EU chỉ có năng lực ứng phó với một cuộc khủng hoảng lớn trong một thời điểm. EU không phải là một chính phủ. Ủy ban châu Âu đóng vai trò chấp hành một phần, quản trị một phần và bảo vệ một phần các hiệp định của châu Âu. Hội đồng châu Âu cũng không phải là một chính phủ mà chỉ là một nhóm các nhà lãnh đạo quốc gia mỗi năm gặp nhau vài lần để đưa ra các quyết định.

Không quá khó để Hội đồng châu Âu tìm được thỏa hiệp nhỏ nhưng khả năng của họ giải quyết những vấn đề thực tại không thực sự được kỳ vọng. Giải quyết khủng hoảng có hiệu lực cần quyền hành pháp - điều mà EU còn thiếu.

Vấn đề thứ hai xảy ra thông qua sự kết hợp, cả thực hay ảo, của hai cuộc khủng hoảng kinh tế và di cư. Kinh tế Hy Lạp tiếp tục suy giảm, và người tị nạn bị kẹt lại ở Hy Lạp đang nhiều hơn bao giờ hết kể từ khi Macedonia đóng cửa biên giới. Đây là một ví dụ của hai cuộc khủng hoảng thật đến cùng lúc. Nhưng bên cạnh đó là các tác động của khủng hoảng “ảo”.

Ba Lan đã viện cớ vụ đánh bom ở Brussels để lật lại cam kết tiếp nhận 7.000 người tị nạn mà nước này đã đồng ý trước đó theo một thỏa thuận phân bổ của EU. Một ví dụ khác là sự tương tác giữa các vụ tấn công khủng bố và khả năng Anh rời khỏi EU. Chúng thực sự không có liên quan gì tới nhau nhưng điều này không ngăn cản được việc một số nhà vận động rời khỏi EU sử dụng các vụ tấn công vì phục vụ mục đích chính trị của riêng họ.

Vấn đề thứ ba là kinh tế. Sản lượng kinh tế của nhiều nước Eurozone vẫn chưa trở lại mức tiền khủng hoảng. Bất ổn an ninh cả trong và ngoài Eurozone xuất phát từ một số khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi chính sách khắc khổ, do nhiều chính phủ nhận thấy việc cắt giảm chi phí cho cảnh sát và quân đội thì dễ hơn cắt giảm các chương trình xã hội. Một nhân tố kinh tế khác ẩn giấu trong các nỗ lực giải quyết khủng hoảng của châu Âu chính là khoảng cách thu nhập ngày càng rộng giữa người giàu và người nghèo - giữa miền Bắc và miền Nam.

Điều này khiến các nước phương Bắc giàu có ngày càng miễn cưỡng trong việc chấp nhận chuyển giao tài chính bởi các khoản tài trợ sẽ lớn hơn và lâu dài.

Vấn đề thứ tư và cũng là quan trọng nhất: đó là sự mất lòng tin và tư bản chính trị. Với mỗi cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết, mức độ hoài nghi châu Âu trong dân chúng lại tăng lên. Nếu EU được nhìn nhận thất bại trong việc giải quyết các vấn đề, người dân theo lẽ tự nhiên sẽ trở nên miễn cưỡng ban cho khối những quyền lực mới. Các đảng dân túy cả cánh tả lẫn cánh hữu đều đang khai thác các thất bại của liên minh và sẽ chẳng có gì bất ngờ khi ngày nào đó một trong những đảng này sẽ thắng cử tại một nước châu Âu lớn.

Sự kết hợp cả bốn vấn đề này làm nản lòng những ý tưởng tốt đẹp về một châu Âu hội nhập, những dự án mà có thể mang lại lợi ích cho tất cả, ví dụ như xây dựng các cơ quan trung ương để phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết khủng hoảng người tị nạn. Nếu EU không làm rối tung các cuộc khủng hoảng trước đó, người ta sẽ nhìn nhận chính sách nhập cư châu Âu hay một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố với thái độ cởi mở hơn.

Tác giả kết luận rằng những sai lầm chính sách của EU không chỉ khiến nhiều nước rơi vào suy thoái kinh tế cho đến giờ chưa phục hồi, mà còn hủy hoại niềm tin của người dân vào EU cũng như vào ý tưởng hội nhập châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục