Brexit có làm tiêu tan tình trạng năng suất tăng trưởng thấp của kinh tế Anh?

08:35' - 17/04/2018
BNEWS Liệu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ làm tiêu tan đà tăng tích cực về năng suất cũng như của các chỉ số kinh tế khác hay không?
Tình trạng năng suất tăng trưởng thấp của kinh tế Anh liệu có được cải thiện trong dài hạn. Ảnh minh họa: TTXVN

Tình trạng năng suất tăng trưởng thấp đeo đẳng kinh tế Anh kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay đang có dấu hiệu sắp kết thúc.

Sáu tháng cuối năm 2017, năng suất tăng ở mức hàng năm là 3,4% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2005, sự cải thiện đáng kể so với mức tăng sản lượng tính theo giờ trung bình 0,2%/năm trong thời gian từ năm 2010-2016 và kể cả so với mức tăng 2,5% từ năm 1950-2007.

Tuy nhiên, liệu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), có nguy cơ làm tiêu tan đà tăng tích cực về năng suất cũng như của các chỉ số kinh tế khác hay không ?
Phân tích về vấn đề này, tờ The Economist của Anh cho rằng trong số các số liệu kinh tế được công bố gần đây, năng suất tăng có lẽ là tin tích cực quan trọng nhất đối với kinh tế “xứ sở sương mù”, cùng với đó là triển vọng cải thiện mức sống của người dân trong dài hạn. Chi tiêu vốn cũng đang cải thiện.

Xét trên tỷ trọng GDP, từ sau khủng hoảng, tổng đầu tư cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình. Các doanh nghiệp nước ngoài đang duy trì nhịp độ đầu tư ổn định. Thống kê cho thấy 1/10 hoạt động mua bán và sáp nhập từ đầu năm 2018 đến nay liên quan đến các doanh nghiệp Anh. Mức tăng lương danh nghĩa cải thiện, trong khi tỷ lệ lạm phát dịu lại, qua đó giúp lương thực tế có thể bắt đầu tăng trở lại.
Thị trường lao động Anh là điểm sáng nổi bật, nhất là khi so với trường hợp kinh tế Mỹ tuy có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, song gần 1/5 người dân ở độ tuổi từ 25 đến 54 tại Mỹ thậm chí không muốn đi tìm việc làm, đồng nghĩa với việc nhóm người này không được tính vào số người thất nghiệp. Ngược lại, tại Anh, tỷ lệ có việc làm của nhóm người ở độ tuổi này là 84%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Sau cuộc trưng cầu ý dân về việc rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, kinh tế Anh khó tránh khỏi được nhìn nhận qua lăng kính Brexit. Những dự báo ban đầu của Bộ Tài chính cũng như của nhiều tổ chức về khả năng sụp đổ lòng tin sau quyết định Brexit cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế đã không trở thành sự thực.

Thậm chí một số người ủng hộ Brexit còn cho rằng việc rời liên minh này thực sự có lợi cho nền kinh tế. Quan điểm của họ là năng suất gia tăng do các công ty phải tìm cách đối phó với tình trạng tỷ lệ di cư (của người châu Âu) ròng giảm khiến cho thị trường lao động bị thắt chặt.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, hiện còn quá sớm để kinh tế Anh có thể ăn mừng. Tờ tạp chí này phân tích, mặc dù chưa thể kết luận nguyên nhân thực sự dẫn đến sự phục hồi của tăng trưởng về năng suất, song có hai cách lý giải cho những tín hiệu kinh tế khả quan gần đây, và khiến cho những tác động của Brexit có vẻ như không nghiêm trọng như các dự báo ban đầu.
Thứ nhất, vào thời điểm sau khi diễn ra cuộc trưng cầu Brexit, kinh tế toàn cầu đang ở trong giai đoạn tăng trưởng vững và trên diện rộng. Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi kinh tế Anh tăng trưởng tích cực hơn dự báo.

Tuy vậy, cuối cùng thì kinh tế Anh vẫn khó tránh tăng trưởng chậm lại, với mức tăng 1,4% vào cuối năm 2017, so với mức 2% một năm trước đó. “Xứ sở sương mù” nằm trong số những nước tăng trưởng chậm nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7). Một số chuyên gia cho rằng thiệt hại từ Brexit tương đương 1,3% GDP, khoảng 300 triệu bảng mỗi tuần.
Thứ hai, rủi ro lớn nhất liên quan đến Brexit không phải là những thiệt hại kinh tế tức thì. Nếu nước Anh rời Khu vực thị trường chung và liên minh hải quan, các cú sốc kinh tế trong ngắn hạn vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song sẽ chưa thể tính toán hết những thiệt hại về tăng trưởng kinh tế lâu dài bắt nguồn từ việc các rào cản thương mại lớn hơn.

Các công ty bán hàng sang “lục địa già” cũng sẽ loại dần sự hiện diện của các công ty Anh ra khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa của họ. Người Anh có lẽ sẽ phải dồn nguồn vốn cũng như lao động cho việc sản xuất các hàng hóa trước đây vốn nhập khẩu với chi phí thấp hơn, đồng thời xuất khẩu của Anh sang châu Âu sẽ tốn phí nhiều hơn. Do đó, hoạt động của nền kinh tế sẽ kém hiệu quả hơn.
Các mô hình thương mại đáng tin cậy nhất dự báo thiệt hại trong dài hạn từ Brexit có thể lên tới 10% GDP, trong đó mức độ thiệt hại còn phụ thuộc vào Brexit diễn ra như thế nào. Ngay cả xét trên góc độ Anh tiếp tục được miễn thuế khi vào Khu vực thị trường chung châu Âu cũng như việc duy trì dòng lưu chuyển người tự do giữa Anh và EU như trong trường hợp của Na Uy, thiệt hại GDP trên đầu người cũng có thể lên tới 2,6%.
Về mặt lý thuyết, đầu tư có thể giúp đẩy năng suất tăng lên mức đủ để bù đắp lại những thiệt hại về thương mại. Đầu tư của chính phủ, xét trên tỷ trọng với GDP, có thể sớm chạm mức cao ổn định trong 40 năm, trong đó đáng chú ý là những kế hoạch đầy tham vọng đang được Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond ấp ủ về việc giải quyết tình trạng khủng hoảng nhà ở tại Anh.

Tuy nhiên, những gì Chính phủ Anh đang làm cũng giống như việc đi bộ về phía cuối của một đoàn tàu đang tăng tốc về phía trước. Những tác động của chính sách mang tính chắp vá sẽ không thấm vào đâu so với tác động của việc những quan hệ thương mại của Anh với các nước láng giềng bị đảo lộn. Tác động của Brexit đối với vấn đề năng suất cũng như các vấn đề kinh tế khác sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc tiến trình Brexit được thực hiện như thế nào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục