BRI - "con bài" cơ sở hạ tầng của Trung Quốc?

05:30' - 02/07/2018
BNEWS Có quan điểm cho rằng Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) như một "con bài" cơ sở hạ tầng để kiến tạo một hình mẫu quyền lực chính trị trong nước và trên toàn thế giới.
Đồng 100 Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Bài viết của tác giả Peter Hartcher, biên tập viên quốc tế của báo Sydney Morning Herald,  chỉ ra rằng ở trong nước, Trung Quốc xây đường đến Tây Tạng và Tân Cương với những hứa hẹn những con đường sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho các vùng đất này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình miêu tả sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là món quà hào phóng của Trung Quốc đối với nhân loại. Phạm vi đầy tham vọng của sáng kiến này được coi như một cách để chia sẻ thịnh vượng và hài hòa, một "cộng đồng chung số phận".
Tuy nhiên, đây cũng là một sáng kiến chiến lược. Qiao Liang, Tướng không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, vào năm 2015 đã mô tả BRI "thực sự là chiến lược khôn ngoan".
Nhà phân tích Nadege Rolland thuộc Cơ quan nghiên cứu châu Á - một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ, nhận định đây là một kế hoạch cơ sở hạ tầng ẩn giấu mục đích chiến lược: "Lôi kéo các nước ngày một gần hơn vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc", từ đó, những nước tham gia sáng kiến này "sẽ gặp càng nhiều khó khăn hơn trong việc chống lại Bắc Kinh". 
Trong cuốn sách "Thế kỷ Á-Âu của Trung Quốc", bà Rolland viết: “Khi Trung Quốc giành được ảnh hưởng chính trị đối với khu vực lân cận, họ sẽ có thể đẩy lùi sự thống trị của Mỹ và giành lại không gian chiến lược khu vực của mình".
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho chính trị có thể rất cao. Trong số 68 quốc gia đã đăng ký tham gia, có đến 33 nước được các cơ quan đánh giá trên thế giới xếp hạng ở dưới mức đầu tư. Mặc dù những nước này không đáng tin cậy về mặt tín dụng, nhưng Trung Quốc vẫn vui vẻ cho vay hàng tỷ USD mà họ có thể không có khả năng hoàn trả.
Theo một báo cáo của Trung tâm phát triển quốc tế - một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, trong giai đoạn đầu triển khai BRI, các khoản cho vay mới của Trung Quốc đã dành cho 8 quốc gia có nguy cơ bị khủng hoảng tài chính.
Nếu các nước này không thể trả nợ, mọi chuyện sẽ ra sao? Khi Sri Lanka yêu cầu thương lượng lại khoản nợ 8 tỷ USD với Trung Quốc cho dự án cảng Hambantota hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu và thuê cảng này với thời hạn 99 năm. 
Cho vay nợ là một cách để khiến người khác phải chịu ơn. Trung Quốc có một lịch sử sử dụng cơ sở hạ tầng như một "Con ngựa thành Troy" để thống trị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục