Cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực bán lẻ

06:21' - 05/08/2016
BNEWS Trước làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và cả doanh nghiệp sản xuất của Việt nam cần chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm thế và tinh thần vươn lên.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ hơn một năm nay theo các cam kết hội nhập đã kéo theo làn sóng các doanh nghiệp lớn, nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài vào Việt Nam. Đã có những lo lắng rằng liệu doanh nghiệp bán lẻ trong nước có mất thị phần ngay trên sân nhà hay lực lượng sản xuất nội địa có bị ảnh hưởng hay không.

Phóng viên BNEWS có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam về vấn đề này.

BNEWS: Việc hàng loạt các tập đoàn bán lẻ, trung tâm thương mại tại Việt Nam đang bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư ngoại đã làm dấy lên mối lo ngại về sự “tập trung kinh tế” rơi vào tay các doanh nghiệp quốc tế. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Chúng ta phải nhìn nhận các hiện tượng “tập trung kinh tế” diễn ra rất sôi động trong thời gian gần đây tại các lĩnh vực khác nhau; trong đó sôi động nhất có lẽ là tại lĩnh vực bán lẻ.

Trước hết, đó là xu thế của việc hội nhập và là một hoạt động rất bình thường của thị trường. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trên thế giới, hiện tượng tập trung mua bán sáp nhập cũng đang rất sôi động, chúng ta không phải là ngoại lệ và cần phải coi đó là hoạt động rất bình thường.

Riêng với hai vụ mua bán sáp nhập khá đình đám của hai thương hiệu Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam trong thời gian vừa qua được chú ý hơn vì lần lượt đều về tay các doanh nghiệp bán lẻ của Thái Lan. Điều này kèm theo nỗi lo lắng là liệu hàng Việt có bị đẩy lùi, bị thu hẹp lại hay không trên các kệ hàng của Metro và Big C...

Siêu thị Big C bị thâu tóm bởi nhà bán lẻ nước ngoài làm dấy lên nỗi lo mất thị phần của các doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi về việc hàng Việt có cạnh tranh được với hàng ngoại hay không thì trước hết bản thân các sản phẩm đó phải có đủ sức cạnh tranh, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Chúng tôi không quan ngại quá lớn hay đánh giá quá nghiêm trọng về việc có các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài trên thị trường và kéo theo là sẽ chỉ bán hàng hóa của các nước họ tại các điểm bán lẻ trên thị trường Việt Nam.

Nói như vậy, không phải là chúng ta không nhìn thấy sức ép vô cùng lớn đối với việc mở cửa thị trường và đặc biệt là việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

BNEWS: Bà đánh giá như thế nào về sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước?

TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Phải nói rằng sức ép này vô cùng lớn vì chưa bao giờ tại thị trường nội địa các doanh nghiệp sản xuất lại phải chịu ảnh hưởng của tiến trình mở cửa thị trường mạnh mẽ như thời điểm hiện tại thông qua hoạt động hội nhập kinh tế hết sức sâu rộng.

Về mặt tích cực, hàng hóa Việt Nam có cơ hội đi ra thị trường nước ngoài thông qua các đối tác của chúng ta, nhưng tại thị trường nội địa chắc chắn sẽ có sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu, từ các bạn hàng đối tác truyền thống cũng như là bạn hàng mới.

Do đó, hàng Việt phải có sự vươn lên và chủ động hơn nữa trong việc cạnh tranh nếu không chúng ta sẽ bị mất thị phần ngay trên sân nhà. Nhưng tôi tin điều này hoàn toàn có thể làm được.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù không ít khó khăn nhưng trong số thành viên cuả Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã có không ít các nhà sản xuất vững mạnh.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang thực hiện rất tốt hoạt động phân phối sản phẩm của doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trang/TTXVN

Ngoài hệ thống phân phối của chính những doanh nghiệp này hiện trải rộng khắp đất nước, họ còn phân phối bán lẻ hàng hóa thông qua các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm bán lẻ khác. Hầu hết những sản phẩm đó đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và chắc chắn không thua một hàng nhập khẩu nào, như: Vinamilk, Điện Quang, Saigon Food, Ba Huân ...

BNEWS:Liên quan tới vụ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi tới Siêu thị Big C, khiếu nại về việc bị ép mức chiết khấu quá cao, bà có cho rằng doanh nghiệp sản xuất đang bị gây khó khăn khi tham gia vào các chuỗi cung ứng nước ngoài?

TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Câu chuyện chiết khấu của các siêu thị kể cả siêu thị nước ngoài và Việt Nam đã xôn xao trong cả một thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cần phải làm rõ vấn đề này, đó là khi doanh nghiệp đưa hàng hóa vào bày bán các siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện đại thì không chỉ ở Việt Nam mà tại các nước khác bao giờ cũng có một tỷ lệ chiết khấu dành cho các nhà bán lẻ hay các định dạng bán lẻ hiện đại.

Nhưng mức chiết khấu này được quy định như thế nào lại hoàn toàn là câu chuyện khác. Nó phải ở mức hợp lý dành cho các doanh nghiệp, còn nếu các chiết khấu này quá cao hay bên cạnh đó còn là các chi phí khác, không chính thức thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thì rõ ràng là không nên và chắc chắn phải giải quyết một cách triệt để và minh bạch.

BNEWS: Biện pháp sử dụng hàng rào kỹ thuật “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) trong lĩnh vực bán lẻ có đủ để phát huy hiệu quả trước làn sóng mua bán, sáp nhập không, thưa bà?

TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Các rào cản mà trước đây WTO đã cho phép Việt Nam sử dụng để phát triển các doanh nghiệp nội địa như rào cản ENT sẽ  không có tác dụng nữa khi mà các FTA mà Việt Nam đã ký kết bắt đầu có hiệu lực.

Thực tế thì những rào cản này vốn đã không hiệu quả lắm trong thời gian qua. Nhưng với tình hình mới và những yêu cầu lớn từ việc mở cửa thị trường và hội nhập, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và cả doanh nghiệp sản xuất đều cần chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm thế và tinh thần vươn lên.

Doanh nghiệp cần phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh rất công bằng và cam go để giữ được thị phần của mình trên thị trường.

Thứ hai là các doanh nghiệp cũng phải định vị được hiện mình đang đứng ở đâu trên thị trường trong cuộc chơi này để từ đó xây dựng những chiến lược phát triển hợp lý.

Ngoài ra, tính chuyên nghiệp hay nguồn nhân lực cùng chất lượng quản trị tốt, nghiên cứu thị trường ... cũng cần phải được quan tâm. Có như vậy các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vững vàng cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà.

BNEWS: Xin cám ơn bà !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục