Các doanh nghiệp cần có niềm tin kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh

18:00' - 10/03/2017
BNEWS "Tôi mong muốn, các bạn có niềm tin kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh và tiến về phía trước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 10/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 19, tinh thần của Chính phủ là kỷ cương, Trung ương chỉ đạo, địa phương phải làm và đề nghị phát huy điều này. Nhiều bộ, ngành đều được phân công trên các lĩnh vực, thậm chí lập ra các ban chỉ đạo để thực hiện. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: TTXVN

“Tôi mong có sự sát cánh cùng các bạn, tất cả doanh nghiệp Việt Nam hãy xác định đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Từng cá nhân doanh nghiệp không nên chỉ phản ánh để tạo điều kiện thuận lợi cho chính bản thân mình mà cần vì cái chung, vì sự phát triển chung của toàn xã hội. Tôi mong muốn, các bạn có niềm tin kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh và tiến về phía trước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. 

Đây là lần thứ 4 trong 4 năm liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thể hiện nỗ lực đột phá chiến lược về thể chế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ đó, 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, trong đó, năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82), đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng nhấn mạnh, một rào cản đối với doanh nghiệp được xóa bỏ, mỗi thay đổi tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp là kết quả của nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi trong nhiều năm của nhiều bên, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tốc độ triển khai thực hiện Nghị quyết 19 còn rất chậm; kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay. Do đó, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung đã chỉ ra một số những bài học còn chưa thành công là do một phần công chức có liên quan nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung còn thụ động, trì trệ; rất ít đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều văn bản đã nêu liên tục trong các Nghị quyết 19 vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết như: Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 9/11/2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (từ 30-25% xuống còn 15%) là món nợ lớn nhất đối với doanh nghiệp… 

Để Nghị quyết 19 ngày càng đi vào cuộc sống, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, cần sự hành động trên nhiều tuyến, có phối hợp chặt chẽ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt sát sao của Thủ tướng và Phó Thủ tướng, “ sự chủ động vào cuộc” của những người đứng đầu; yêu cầu trách nhiệm giải trình đối với họ… để có được kết quả cấp số nhân, thì mới có hy vọng thành công. 

Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội bông sợi kiến nghị giảm bớt tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra với hàng bông nhập khẩu bằng việc áp dụng chế độ công nhận lẫn nhau kết quả kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng bông nhập từ các nước phát triển; áp dụng quản lý rủi ro với các mặt hàng bông nhập nhập từ nước khác, tăng cường hậu kiểm thay vì kiểm tra từng lô khi thông quan đế giảm gánh nặng về thời gian, chi phí doanh nghiệp. 

Cùng quan điểm, Hiệp hội Logistics cũng kiến nghị xem xét bỏ hàng hóa gửi kho ngoại quan khỏi đối tượng áp dụng thuế nhà thầu vì việc đưa đối tượng này vào có nhiều điểm bất hợp lý và đang có nguy cơ làm doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan phá sản, thua lỗ. 

“Nhà nước cần có cơ chế hỗ trơ giúp doanh nghiệp đáp ứng được hệ thống tiêu chuẩn đặc thù. Ví dụ: dệt nhuộm cũng là nhóm ngành đặc thù của dệt may. Do đó, nhà nước cần hỗ trợ ngành dệt nhuộm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.” - ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị. 

Nghị quyết 19 năm 2017 bao phủ hầu hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; sử dụng đồng thời 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu. Đó là: đánh giá, xếp hạng về Mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; đánh giá, xếp hạng về Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới; đánh giá, xếp hạng về Năng lực đổi mới sang tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới; và đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc. 

Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức nhằm trao đổi bài học kinh nghiệm và thách thức trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, tạo diễn đàn để các Bộ, cơ quan, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ về kết quả, kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục