Các ngân hàng “quay lưng” với ngành khai thác dầu đá phiến


06:30' - 03/10/2019
BNEWS Các công ty nhiên liệu hóa thạch giờ đây sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm vốn vay và điều này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến.

Những dòng sông băng trên kênh Beagle tại Patagonia, Chile tan chảy do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP/TTXVN

Các ngân hàng “quay lưng” với ngành khai thác dầu đá phiến 130 ngân hàng quốc tế có tài sản trị giá hơn 47.000 tỷ USD – tương đương với 1/3 ngành tài chính toàn cầu - đang chuyển sang thực hiện các nguyên tắc hoạt động mới, tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015. 

Các công ty nhiên liệu hóa thạch giờ đây sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm vốn vay và điều này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến.

Khi phát hành các khoản vay, các ngân hàng sẽ cần tính đến ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đối với sự ấm lên toàn cầu, đặc biệt là các dự án khai thác dầu mỏ, khí đốt và than đá.

Theo Simon Dettling, người đứng đầu Sáng kiến tài chính về môi trường của Liên hợp quốc, việc đi chệch khỏi các nguyên tắc môi trường và tài trợ cho các dự án dầu khí, than đá sẽ gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến tổ chức tín dụng.

Ông Dettling cảnh báo: “Các ngân hàng phải chứng minh sự tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong một khoảng thời gian nào đó, nếu không họ có thể mất tư cách là một bên tham gia thỏa thuận này, dẫn đến suy giảm uy tín nghiêm trọng”.

Đây không chỉ là vấn đề hình ảnh. Các nhà hoạt động khí hậu đang ngày càng sử dụng những “luận điểm”, ví như đình công trong doanh nghiệp không tích cực thúc đẩy chương trình “nghị sự xanh” (như Amazon và Google phải đối mặt gần đây) và tẩy chay các công ty không tham gia cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Mối quan tâm của các ngân hàng về vấn đề khí hậu là tin xấu cho toàn bộ ngành năng lượng. Những “người khổng lồ” tài chính như Deutsche Bank, Citigroup, Barclays, ABN Amro, BNP Paribas, Commerzbank, Lloyds Banking Group và Societe Generale tham gia sáng kiến này và thu hẹp khả năng cung cấp các khoản tín dụng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng hóa thạch.

Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến, mục tiêu thường được nhắc tới của phong trào chống lại sự ấm lên toàn cầu. Việc khai thác dầu đá phiến đi kèm với việc giải phóng cái gọi là khí đồng hành. Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ không có cơ sở hạ tầng và cơ sở sản xuất để thu giữ, lưu trữ và vận chuyển lượng khí này.

Những đường ống được xây dựng tại các mỏ dầu đá phiến đã đầy kín. Do đó, khí đồng hành chỉ đơn giản là bị đốt cháy, với khối lượng khổng lồ.

Theo ước tính của công ty tư vấn Na Uy Rystad Energy, lượng khí đốt hiện đang được đốt bỏ trong mỏ đá phiến Perm gấp đôi so với khí được sản xuất tại giếng khai thác lớn nhất ở Vịnh Mexico - khu phức hợp Mars-Ursa thuộc sở hữu của công ty Royal Dutch Shell, với công suất lên tới 7,5 triệu m3 mỗi ngày.

Tình hình cũng tương tự tại khu vực Bakken ở Bắc Dakota, nơi có tới 14 triệu m3 khí đốt được đốt cháy mỗi ngày. Nếu thêm lưu vực Perm vào đây, khí đồng hành sẽ nhiều hơn mức tiêu thụ “nhiên liệu xanh” của các quốc gia như Hungary, Israel, Azerbaijan, Colombia hoặc Romania, theo số liệu của Rystad Energy.

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ tuyên bố, khí thải mê-tan từ quá trình đốt khí trong lưu vực Perm tương đương với khí thải của hai triệu ô tô. Do đó các công ty đá phiến là “ứng cử viên” chính trong danh sách các công ty bị chấm dứt cho vay dự án. Điều này có thể là một đòn giáng vào ngành công nghiệp dầu đá phiến đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Theo Công ty cung cấp dịch vụ dầu khí Baker Hughes, nếu đầu năm nay có 885 giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ, bây giờ là 713, tức là khoảng 20% đã đóng cửa. Theo Dallas Fed, tại Texas - một trung tâm sản xuất dầu đá phiến, số việc làm ngành dầu khí trong nửa đầu năm đã giảm gần 2% và các đơn xin khoan khai thác mới giảm 21% so với năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục