Cách tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên?

19:17' - 11/01/2018
BNEWS Tờ Politico mới đây đăng bài phân tích về khuyến nghị chính sách của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên của ông David Carden, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại ASEAN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải). Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo bài viết, cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã có một bước ngoặt bất ngờ khi CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý đối thoại cấp cao trước thềm Thế vận hội Olympics mùa Đông, sẽ được tổ chức ở Pyeongchang của Hàn Quốc vào tháng Hai tới. 

Một số chuyên gia cho rằng cuộc đàm phán này có thể là bước đầu tiên tiến tới một thỏa thuận mặc cho những cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Một số khác cho rằng sẽ có những cố gắng chia rẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ. 

CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc chuẩn bị đối thoại là một sự tiến triển. Nhưng bất cứ cuộc đàm phán mới nào nên tránh lặp lại những thất bại trong quá khứ, bao gồm cơ chế đàm phán sáu bên sụp đổ năm 2009. 

Một số chuyên gia cho rằng đàm phán không thành công bởi sự tập trung mang tính nguyên tắc - tập trung vào chương trình hạt nhân, khiến Triều Tiên lo ngại mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ. Nỗi lo ngại này vẫn tiếp tục và có thể tạo ra sự bế tắc hiện tại.

Bởi khả năng có một vòng đàm phán mới nên bất cứ khả năng nào về một giải pháp lâu dài đều cần có cách tiếp cận mới. Đó là sự công nhận tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là một phần trong một vấn đề lớn hơn - sự bất ổn tạo ra bởi điều kiện kinh tế và xã hội hiện tại ở Triều Tiên. 

Mỹ và đồng minh không nên chỉ ngăn chặn chương trình hạt nhân mà cần đưa ra kế hoạch phát triển cho Triều Tiên với tư cách một thành viên ổn định, thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Khi đảm nhiệm vai trò Đại sứ Mỹ đầu tiên tại ASEAN từ năm 2011-2013, ông Carden đã chứng kiến chiến lược mở rộng vấn đề có tác dụng như thế nào. 

Những cuộc đàm phán về Triều Tiên trước đây không sử dụng biện pháp toàn diện và hệ thống này. Các cuộc đàm phán sáu bên tổ chức từ năm 2003-2009 chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân Triều Tiên. Bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan tới hỗ trợ cho đất nước nghèo đói này đều là thứ yếu, chỉ tập trung vào nguồn cung cấp dầu lửa và thực phẩm.

Gần đây, cách giải quyết vấn đề này có vẻ như hạn chế hơn. Phương pháp hiện nay liên quan đến hai nhân tố chính là Mỹ và Triều Tiên, thu nhỏ vấn đề thành liệu Triều Tiên có kho vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công Mỹ hay không. 

Khái niệm này bỏ qua những thách thức nội tại của Triều Tiên như cung cấp thực phẩm dinh dưỡng, giáo dục, cơ sở hạ tầng và y tế chất lượng cho người dân. Điều này dẫn tới sự bế tắc nguy hiểm.

Mức độ sâu sắc của sự thiếu tin tưởng và thù hằn ở cả hai phía khiến ta không thể tưởng tượng ra một thỏa thuận dưới những điều kiện hiện tại.

Một khái niệm mở rộng tập trung vào phát triển sẽ đặt Triều Tiên vào con đường tiến tới phối hợp toàn cầu và thịnh vượng, tạo ra sự thay thế cho thế giới tách biệt mà họ đang sống. Khi được xây dựng phù hợp, một kế hoạch như vậy có thể bảo đảm cho lãnh đạo CHDCND Triều Tiên rằng thay đổi chế độ không phải là mục tiêu quốc tế.

Một kế hoạch phát triển như vậy sẽ như thế nào? Chi tiết của kế hoạch sẽ là chủ đề đàm phán nhưng mục tiêu cơ bản là tăng năng suất sản xuất cho người dân Triều Tiên thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, công nghệ, y tế và dinh dưỡng. 

Điều này yêu cầu có sự tham gia của toàn cầu, phản ánh thực tế rằng Triều Tiên là mối đe dọa đối với thế giới chứ không phải chỉ với một số nước nhất định; cơ chế cho phép các bên tham gia thiết kế, gây quỹ và thực hiện kế hoạch; và sự bảo đảm rằng các bên sẵn sàng làm việc với lãnh đạo Triều Tiên. Nó cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế bắt đầu giảm bớt các biện pháp trừng phạt tiến tới xóa bỏ hoàn toàn trong tương lai.

Sự cần thiết về vốn và chuyên gia cho sáng kiến phát triển này là rất lớn nhưng chi phí sẽ ít hơn nhiều so với hàng nghìn tỷ USD tiêu tốn cho chiến tranh, thậm chí một cuộc chiến tranh thông thường. 

Chi phí sẽ gia tăng khi chiến tranh kéo dài và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia chứ không chỉ những nước trực tiếp liên quan. Những nước ngoài khu vực sẽ cần tham gia cung cấp vốn và chuyên gia cần thiết, cuộc khủng hoảng và giải pháp cho nó đều mang tính toàn cầu.

Để đổi lại sự hỗ trợ phát triển, CHDCND Triều Tiên sẽ phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và cho phép các chương trình điều tra cần thiết nhằm bảo đảm họ không tích lũy vũ khí hay phương tiện để chế tạo vũ khí hạt nhân. 

Triều Tiên cũng không được bán hay trao đổi vũ khí hạt nhân. Khi đó, Chính quyền Triều Tiên sẽ tập trung hơn vào nhu cầu và năng suất của người dân trong khi vẫn bảo vệ những quyền con người cơ bản.

Không chắc chắn về ý định của Triều Tiên nhưng có những tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể lựa chọn phương pháp này. Triều Tiên đang cố gắng tạo ra một nền kinh tế thị trường. Tầng lớp trung lưu đang nổi lên mong muốn giải pháp lâu dài mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Để xác định liệu Triều Tiên có cởi mở với sáng kiến này không thì cộng đồng quốc tế nên phái những nhà ngoại giao bên ngoài khu vực tới để xây dựng lòng tin, thuyết phục Triều Tiên rằng thay đổi chế độ không phải là mục tiêu trên bàn đàm phán. 

Các nhà ngoại giao có thể làm việc ở hậu trường để đàm phán các điều kiện của kế hoạch, tập hợp cam kết từ các nước nhằm cung cấp vốn, giảm trừng phạt và giàn xếp về chương trình hạt nhân.

Khi hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un vẫn tiếp tục khẩu chiến và đe dọa, biện pháp này có thể hơi sớm. Nhưng cuộc nói chuyện giữa Hàn Quốc và Triều Tiên khiến ta vẫn có thể tin vào một sáng kiến phát triển và giải trừ vũ khí. Liệu một sự trao đổi như vậy có thể được các bên liên quan chấp nhận hay không thì không thể phán đoán ngay được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/1 cho biết ông sẽ sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các cuộc gặp hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên có thể giúp giảm leo thang cuộc xung đột liên quan đến vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng ở Trại David, bang Maryland, về khả năng nói chuyện với ông Kim qua điện thoại, Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Tôi luôn tin vào đàm phán". Ông cũng khẳng định "hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó", nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ đối thoại vô điều kiện.

Tuyên bố trên của ông Trump hoàn toàn khác với các phát biểu thường khá khiêu khích của ông về Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà trong năm 2017 ông đã có một cuộc "khẩu chiến" từng làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến tranh hạt nhân khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. 

Trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vừa nhất trí tiến hành cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong hơn 2 năm qua, ông Trump cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề hơn, ngoài việc chuẩn bị cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang vào tháng Hai tới. 

Ông cũng cho biết Mỹ sẽ có thể tham gia "vào thời điểm thích hợp" và  nói: "Nếu các cuộc đàm phán đạt một kết quả nào đó, thì sẽ tốt cho toàn nhân loại".

Trong suốt thời gian ở châu Á, ông Carden nhận ra tầm quan trọng của việc tạo ra khoảng trống trong bất cứ cuộc đàm phán nào, đặc biệt khi các bên có những quan điểm lâu đời khó thay đổi. Kế hoạch phát triển này có thể tạo ra khoảng trống đó thông qua cho phép các bên "giữ thể diện" và tuyên bố chiến thắng. 

Lãnh đạo Triều Tiên có thể tuyên bố mối đe dọa từ chương trình hạt nhân khiến họ phải giành lại những lợi ích lâu dài cho người dân, trong khi Mỹ có thể tuyên bố Mỹ đã chấm dứt một cách hòa bình các chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà vẫn khẳng định được vai trò quan trọng của Mỹ trong hỗ trợ các quốc gia phát triển sau xung đột. 

Sự lãnh đạo của Mỹ đã giúp tránh khỏi một cuộc chiến tranh quốc tế lớn hơn 70 năm qua. Mỹ cũng có thể thực hiện lại điều đó vào thời điểm hiện tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục