Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn của kinh tế hiện đại (Phần 2)

06:30' - 21/05/2018
BNEWS Thương mại Mỹ - Trung đang là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Đây được xem là “hòn đá tảng” và là động lực thúc đẩy thương mại thế giới.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn của kinh tế hiện đại. Ảnh: AFP/TTXVN

Bức tranh kinh tế vĩ mô hiện đại cho thấy sự chuyển động của các dòng vốn đầu tư đang lớn hơn rất nhiều các dòng vốn thương mại.

Chính vì vậy, tương quan giữa các khoản tiết kiệm và đầu tư của một quốc gia mới là yếu tố quyết định cán cân thương mại tổng thể của quốc gia đó, chứ không phải là sự khác biệt trong hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu

Điều này lý giải vì sao phần lớn các khối thặng dư thương mại lớn, chẳng hạn như thặng dư mà Trung Quốc đang có với Mỹ, không còn là hậu quả của các biện pháp trọng thương nữa mà thay vào đó, nó đến từ các chính sách trợ vốn cho sản xuất thông qua điều chỉnh lãi suất thấp nhằm hy sinh chi tiêu hộ gia đình, từ đó làm tăng tỷ lệ tiết kiệm.

Nếu xét theo khía cạnh này thì việc giải quyết tận gốc vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ đòi hỏi cán cân tiết kiệm-đầu tư của nước này được cải thiện, chứ không phải là áp dụng biện pháp thuế quan nhằm trả đũa Trung Quốc.

Có thể giải thích đơn giản như sau: Mặc dù chính sách thương mại không làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại tổng thể, song sẽ gây ảnh hưởng đến từng hãng, ngành và quốc gia cụ thể.

Ví dụ, việc Chính phủ Mỹ đặt ra một hạn ngạch nhập khẩu xe ô tô từ Nhật Bản sẽ làm xuất khẩu ô tô ròng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên. Xuất khẩu ròng tăng sẽ khiến nhu cầu mua USD tăng, từ đó giúp đồng tiền tệ này lên giá.

Tuy nhiên, việc đồng bạc xanh mạnh lên có thể khiến các nhà sản xuất máy bay Mỹ như Boeing cảm thấy khó cạnh tranh hơn với với Airbus - một hãng sản xuất máy bay ở châu Âu. Khi đó, xuất khẩu máy bay Mỹ sẽ giảm trong khi nhập khẩu máy bay tăng.

Trong trường hợp này, hạn ngạch về ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ làm xuất khẩu ô tô ròng tăng lên và làm xuất khẩu máy bay ròng giảm đi. Tuy nhiên, cán cân thương mại tổng thể của Mỹ sẽ không thay đổi.

David Loevinger, cựu điều phối viên cao cấp các vấn đề về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ, nhận định rằng “các chính sách thuế quan sẽ không tác động nhiều đến cán cân thương mại tổng thể của Mỹ”. Nó như một quả bóng nước, nếu bạn bịt một đầu thì nước sẽ chảy về những đầu khác của quả bóng đó.

Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng nếu Tổng thống Trump muốn làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, ông phải tập trung vào tài khoản vốn (capital account), chứ không phải cán cân thương mại.

Thay vì áp thuế nhập khẩu, ông nên lựa chọn chính sách giúp hấp thụ tiết kiệm từ nước ngoài một cách hiệu quả hơn, như tận dụng môi trường lãi suất thấp và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Một cách khác là khuyến khích người dân thu mua trái phiếu chính phủ và các tài sản được định giá bằng đồng USD khác, đồng thời tăng cường kiểm soát các dòng vốn, ví dụ như đánh thuế dòng vốn chảy vào, điều mà họ đã làm trong suốt những năm 1960.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục