Cấp bách kiểm soát chất thải nhựa trên biển

08:23' - 11/08/2017
BNEWS Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Ðại dương, hơn một nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm các đại dương trên thế giới đến từ các quốc gia châu Á.

Ngày 19/7/2017, trên Tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu của Mỹ cho biết thế giới đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn đang tích tụ trên Trái đất, phần lớn khối lượng lớn rác thải nhựa được vùi lấp trong các bãi chôn rác hoặc đổ vào các đại dương.

Mặc dù các nhà sản xuất đã nỗ lực trong việc tái sản xuất lượng rác thải này, song ước tính chỉ khoảng 9% số rác thải nhựa được tái chế trong những năm qua. Ngoài ra, khoảng 12% lượng rác thải được đem thiêu hủy, một giải pháp đang gây nguy hại trực tiếp đến môi trường.

Các nhà nghiên cứu nhận định, với nhịp độ hiện nay, hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa sẽ được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ vào môi trường vào năm 2050.

Gây tổn hại đến các hệ sinh thái biển 

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Ðại dương, hơn một nửa số rác thải nhựa trong các đại dương trên thế giới đến từ các quốc gia châu Á. Có thể thấy, quy mô kinh tế và mức độ tiêu dùng chỉ là một phần yếu tố quyết định mức độ gây ô nhiễm biển.

Ðiểm quan trọng nhất ở đây chính là việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải. Dự đoán lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á sẽ tăng tới 80% trong vòng 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025.

Nếu các quốc gia bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, các nước có thể giảm được tới 65% lượng rác thải trước năm 2025, giúp giảm tới 45% tổng lượng rác thải toàn cầu.
Đặc biệt, lượng rác thải nhựa trên biển đang ngày càng gia tăng, gây tác hại cho môi trường biển và các loài động vật biển. Do đặc điểm cấu trúc là các polyme tổng hợp nhân tạo, nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm.

Những mảnh rác thải nhựa lớn sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm và phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo, cá voi.

Do các dòng hải lưu, các mảnh (hạt) nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Các động vật nuốt phải các mảnh (hạt) nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở, hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong.
Đáng lo ngại là những hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ hai nguồn do rác thải nhựa phân hủy và từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng... có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển.

Ngoài ra, chúng có thể làm tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm thuốc trừ sâu DDT và PCB (Polychlorinated biphenyl - trong nhóm các hóa chất hữu cơ khó phân hủy gây ung thư). Rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường biển khác khi các hải sản biển ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các hải sản biển đó.

Vấn đề là việc tích lũy sinh học và khuếch đại sinh học của các hóa chất, hậu quả của chúng đối với sức khỏe con người như thế nào?
Theo UNEP, tình trạng vứt bỏ rác thải nhựa ra đại dương gây thiệt hại kinh tế lên đến 13 tỷ USD, đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật biển, làm giảm sút lượng khách du lịch và nhất là tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản.

Vì thế, các nước cần sớm tìm ra giải pháp để quản lý, tái chế rác thải nhựa hiệu quả và người dân cần hiểu rõ những tác hại để tránh vứt rác thải nhựa ra biển. 

Kiểm soát chất thải nhựa trên biển 

Theo nhận định của các chuyên gia Dương Thị Phương Anh, Nguyễn Liên Hương, Trần Quý Trung thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường: Hiện trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu đánh giá thực trạng phát sinh chất thải trên biển, trong đó có chất thải nhựa, cũng như đánh giá tác động của chất thải tới hệ sinh thái trên biển.

Việc xác định các nguồn phát sinh cũng như khối lượng chất thải nhựa trong môi trường biển và ven biển, giúp cho việc kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển nhằm ngăn ngừa các tác động nguy hại tới đời sống thủy sinh.
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, rác thải biển là vật liệu rắn được sản xuất hoặc xử lý, sau đó thải bỏ vào môi trường biển và ven biển.

Trong đó, chất thải nhựa là một thành phần chủ yếu của rác thải biển, chiếm khoảng 50 - 80% lượng rác thải biển. Ước tính hơn 80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển.

Có 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tập kết ở đáy đại dương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% chất thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc gần bề mặt biển, với mật độ trung bình 0,74kg/km2, tương ứng khoảng 0,27 triệu tấn.

Lượng rác ước tính trên các bãi biển toàn cầu lớn hơn 5 lần lượng rác nổi với mật độ rất cao 2.000kg/km2 tương ứng 1,4 triệu tấn.
Qua đó có thể thấy, nhựa trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Nhựa gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng nuốt phải, hoặc bị mắc kẹt.

Đồng thời, chất thải nhựa biển còn tác động đến sức khỏe con người do ăn phải các loài sinh vật nhiễm nhựa trong cơ thể. Ngoài ra, khó xác định được những tác động về kinh tế do chất thải nhựa biển gây ra trong các hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải trên biển và chi phí vệ sinh môi trường.
Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (RIO+20) đã thông qua Tuyên bố chung “Tương lai chúng ta mong muốn”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do vấn đề chất thải nhựa trên biển gây ra.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 25/9/2015. Chương trình nghị sự đưa ra một kế hoạch hành động gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu cụ thể.

Mục tiêu 11, 12 và 14 đặc biệt quan hệ mật thiết tới vấn đề rác thải nhựa trên biển, dù cả 17 mục tiêu đều ít nhiều liên quan. Đây là vấn đề mới nổi, hiện đang rất được quan tâm trên thế giới.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng phát sinh chất thải trên biển trong đó có chất thải nhựa cũng như đánh giá tác động của chất thải tới hệ sinh thái trên biển.
Việc xác định các nguồn phát sinh, khối lượng chất thải nhựa trong môi trường biển và ven biển sẽ giúp cho việc quản lý chất thải, ngăn ngừa nguy hại tới đời sống thủy sinh. Việc giảm lượng chất thải nhựa đi vào hệ sinh thái biển và ven biển có thể được coi như một chỉ thị hỗ trợ của công tác quản lý chất thải bởi vì rủi ro về việc phá hủy đa dạng sinh học khu vực biển và ven biển có thể được giảm bớt.

Chỉ thị này cũng được sử dụng để giám sát các mục tiêu liên quan chất thải, trong đó có chất thải trên biển của Tuyên bố Hà Nội về 3R được thông qua tại Diễn đàn 3R khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2013 (Việt Nam là một trong những thành viên tham gia đầy đủ các hội nghị của Diễn đàn 3R này).
Ở nước ta, tài nguyên và môi trường biển có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng vững chắc, là nguồn lực đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.

Việc quản lý, bảo vệ môi trường biển ở nước ta đã được đề cập trong nhiều văn bản như Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và nhiều văn bản định hướng, văn bản hướng dẫn Luật khác.

Tuy vậy, công tác quản lý chất thải đặc biệt là chất thải nhựa trên biển còn chưa thực sự được quan tâm, chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa biể; đồng thời cũng chưa có nhiều nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm trong việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển,...
Hiện việc quản lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa) được quy định rõ tại Nghị định số 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, có những tác động nguy hại tới môi trường, đặc biệt khi đi vào môi trường biển.

Bởi vậy, việc hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý chất thải nhựa trên biển, tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý, kiểm soát chất thải nhựa trên biển đang là vấn đề cấp thiết hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục