Cây thạch đen “chông chênh” bởi phụ thuộc vào thị trường

15:53' - 08/12/2018
BNEWS Trong những năm qua, thạch đen đã là cây nông nghiệp ngắn ngày đặc trưng cho hiệu quả kinh tế cao của người dân tại huyện biên giới Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Loại cây này được người dân trồng duy trì ổn định từ 1.200 – 2.000ha/năm, cho năng suất bình quân từ 56 – 60 tạ/ha.

Đây là loại cây trồng mũi nhọn, giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ thạch đen đang “chông chênh” bởi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; người nông dân đang cần những giải pháp tiêu thụ bền vững hơn.

Cây thạch đen được người dân trồng ở hầu hết các của huyện Tràng Định, nhưng tập trung trồng nhiều hơn cả ở xã Kim Đồng, Đề Thám, Tân Tiến và Chí Minh.

Một năm, cây thạch đen có thể trồng được 2 vụ, thu hoạch vào thời điểm tháng 6 và tháng 10 - 11 của năm.

So với các loại cây ngắn ngày khác, thạch đen đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng biên giới này, nhiều hộ gia đình đã thu được hàng chục triệu đồng nhờ trồng thạch đen.

Anh Sằm Văn Tiến, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định, Lạng Sơn cho biết, anh trồng cây thạch đen cho thu nhập đều và hiệu quả. thạch đen dễ trồng mà ít bị sâu bệnh.

Giá cả mỗi năm cũng lên cao, có thời điểm lên 40.000 đồng/kg; nếu trồng và chăm sóc tốt thì mỗi năm cũng thu hái được hơn 1 tấn, tổng thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Ở Tràng Định, thạch đen sau khi được thu hoạch, người dân thường phơi khô rồi bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc hoặc qua tay thương lái Việt Nam để bán sang thị trường Trung Quốc.

Do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài nên người nông dân và ngay cả thương lái Việt Nam cũng không khỏi lo lắng.

Hơn nữa, mặc dù thạch đen Tràng Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ thương hiệu nhãn hiệu tập thể từ tháng 9/2017, nhưng đến nay, vẫn chưa được đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch và chưa được đăng ký mã hàng để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nên đã gặp phải nhiều vướng mắc nhất định về khâu tiêu thụ.

Bà Lương Thị Vui ở xã Tân Tiến, huyện Tràng Định nói: "Tôi đứng ra thu mua thạch đen cho người dân quanh khu vực. Bây giờ tiêu thụ thạch đen đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Thạch đen tôi thu mua cũng chỉ để ở trong kho, khi nào bạn hàng gọi lấy thì bán, nên không chủ động được. Mong muốn có giải pháp nào đó để tiêu thụ bền vững hơn vì tiêu thụ được thì người dân mới có việc để làm".

Trước những khó khăn trên, ngày 23/11/2018, UBND huyện Tràng Định đã có công văn số 1125/UBND-VP báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn; trong đó, đề nghị xem xét có văn bản gửi phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu mặt hàng thạch đen vào thị trường Trung Quốc.

Sở Công Thương Lạng Sơn ngày 30/11/2018 cũng có văn bản số 1431/SCT-XNK gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về đề xuất giải quyết khó khăn, cho xuất khẩu mặt hàng thạch đen huyện Tràng Định vào thị trường Trung Quốc.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tràng Định, ông Từ Trọng Hiếu cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND huyện làm các thủ tục để đăng ký truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận kiểm nghiệm cho sản phẩm thạch đen, để đảm bảo cho xuất khẩu được tốt hơn.

Để có hướng tiêu thụ bền vững, giá cả được ổn định, nông dân trồng thạch đen tránh bị tư thương ép giá… các cấp chính quyền sở tại cần nghiên cứu, kêu gọi những doanh nghiệp trong nước quan tâm tiêu thụ mặt hàng này qua các kênh về tiếp xúc đầu tư.

Về lâu dài, cũng tính toán đến việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm thạch đen để tạo dựng thương hiệu ngay tại địa bàn, khi mà diện tích trồng được nâng lên và ổn định.

Có như vậy, người dân mới yên tâm gắn bó với loại cây nông nghiệp mũi nhọn của huyện Tràng Định nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục