Châu Á cần sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Phần 2)

06:19' - 02/08/2017
BNEWS Bằng việc đạt được thỏa thuận loại bỏ 99% thuế hàng hoá với EU mới đây, Nhật Bản nhắc nhở G20 về tầm quan trọng của nước này và làm mờ nhạt hình ảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Nếu thỏa thuận với EU thành công, ông Abe sẽ có chiến thắng quan trọng nhất về cải cách trong vòng 4 năm rưỡi nhiệm kỳ vừa qua. Nhật Bản có thể sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế thế giới hơn là việc tập trung vào đẩy lùi giảm phát.

Theo tác giả bài viết, Thủ tướng Abe có lẽ nên tận dụng cơ hội này để thuyết phục các nước Singapore, Malaysia, Việt Nam, Australia và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khác để đưa hiệp định này đi đúng hướng. Thậm chí, việc mời Trung Quốc tham gia cũng nên được xem xét.

Dĩ nhiên ông Abe sẽ phải thận trọng để Nhật Bản không trở thành chủ đề mà ông Trump trút giận trên mạng Twitter, sau khi ông Trump đã đề cập đến chính sách đồng yen của Tokyo và doanh số của nhà sản xuất xe ô tô Toyota tại Mỹ trên mạng xã hội này.

Nhưng câu chuyện kinh tế quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại là việc ông Trump đã đánh giá sai về sức mạnh của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Cuộc chiến thương mại có thể sẽ làm Trung Quốc và cả châu Á bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo đó là việc giảm quỹ đạo tăng trưởng, một điều mà không ai muốn.

Có thông tin nói rằng cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vừa khai mạc đã rơi vào căng thẳng khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chỉ trích Trung Quốc về vấn đề chênh lệch cán cân thương mại và cả hai phía đã hoãn các cuộc họp báo sau đó.

Theo Bloomberg, phát biểu khai mạc cuộc Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ - Trung (CED) tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 19/7, ông Ross đã chỉ trích sự mất cân bằng về thương mại với Trung Quốc bằng những lời lẽ hết sức thẳng thừng.

Theo ông Ross, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng lên, giá trị nhập khẩu từ quốc gia châu Á này còn tăng nhanh hơn, dẫn tới mức thâm hụt thương mại 309 tỷ USD.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump công khai chỉ trích Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy hai bên đã từ bỏ kiểu đối thoại cũ, được dàn dựng kỹ, trong đó các quan chức Mỹ và Trung Quốc ít ra cũng công khai cam kết tăng cường mối quan hệ giữa hai cường quốc.

Cuộc gặp gỡ lần này đã diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên căng thẳng khi ông Trump tăng cường gây áp lực với Trung Quốc nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

CED là cuộc họp đầu tiên theo một mô hình mới được thỏa thuận hồi tháng Tư, khi ông Trump gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida (Mỹ) và triển khai kế hoạch hành động trong 100 ngày.

Trang mạng LAtimes.com cho rằng sẽ có nhiều người ngạc nhiên trước mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, bởi ông Trump từ lúc tranh cử đã có những phát biểu chỉ trích gay gắt thuyết coi trọng thương mại của Trung Quốc và cho rằng thặng dư thương mại lớn của nước này đã gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ và ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Mỹ.

Là Tổng thống, ông Trump đã tiếp tục đặt thương mại là ưu tiên hàng đầu và tập trung vào các chính sách kinh tế của mình. Song theo các nhà kinh tế, với việc coi thâm hụt thương mại - với quy mô và thời điểm lên xuống của nó - là biện pháp cơ bản để đánh giá mối quan hệ kinh tế song phương, ông Trump đã tự đẩy mình vào thế khó.

Nicholas Lardy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, nhận xét thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đang tăng lên do nước này từng bước nâng cao chuỗi giá trị.

Đồng USD vẫn mạnh, khiến cho hàng hóa Mỹ khá đắt trên thị trường nước ngoài. Và mặc dù Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã kêu gọi Mỹ nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu để bán cho Trung Quốc nhiều các công nghệ tiên tiến hơn, song các áp lực chính trị ở Mỹ dường như đang đi theo hướng ngược lại.

Tại cuộc họp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc ở Washington vừa qua, trước khi diễn ra cuộc đối thoại kinh tế hai nước, các nhà điều hành tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và tập đoàn đa quốc gia General Motors và JPMorgan Chase, đã kêu gọi lãnh đạo hai nước giải quyết tranh cãi thông qua đàm phán thay vì dùng tới các biện pháp như trừng phạt có thể gây ra chiến tranh thương mại.

Andy Rothman, cựu nhân viên Cục Đối ngoại Mỹ từng công tác tại Trung Quốc và hiện là chiến lược gia đầu tư của hãng Matthews Asia tại San Francisco (Mỹ), cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump nên tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc hơn là tập trung vào thâm hụt thương mại hay trừng phạt về thép và nhôm.

Ông Rothman cho rằng từ phía ông Tập Cận Bình và Trung Quốc, “mọi dấu hiệu đều cho thấy họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp, ổn định và hiệu quả” với ông Trump và Mỹ.

Song, cũng như các nhà phân tích khác, ông Rothman nghi ngờ quan điểm của ông Trump trong vấn đề này, dựa theo sự bất thường và những dấu hiệu gây xung đột từ phía Nhà Trắng và chính ông Trump.

Còn trang Bloomberg dẫn lời ông Gary Locke, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhiệm kỳ 2011-2014, cho rằng những đòn trừng phạt thương mại của Mỹ sẽ bị Trung Quốc đáp trả, ảnh hưởng tới kinh tế cả hai bên. Ông Locke nói: “Trong chiến tranh thương mại, bên nào cũng thiệt hại, chẳng ai thắng cả”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục