Châu Á đang “chìm” và những hệ lụy

06:30' - 05/12/2022
BNEWS Châu Á đang đóng vai trò thúc đẩy quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng rủi ro ngập lụt tăng cao đã phủ bóng đen lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo trang Nikkei bản tiếng Trung, tình trạng sụt lún mặt đất của các thành phố châu Á ngày càng diễn ra nghiêm trọng, rủi ro ngập lụt đang gia tăng. Bên cạnh đó, khí hậu bất thường và toàn cầu nóng lên dẫn đến mực nước biển dâng đã khiến cuộc sống của 1,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số châu Á đối diện với các hiểm họa thiên tai.

Châu Á đang đóng vai trò thúc đẩy quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng rủi ro ngập lụt tăng cao đã phủ bóng đen lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.   

Đầu tháng Mười, sông Chao Phraya chảy qua Thái Lan từ Bắc xuống Nam ngập lụt tràn lan, chùa chiền và nhà ở thuộc khu vực ngoại ô thủ đô Bangkok chìm trong biển nước. Nước lũ ở một số khu vực cao đến thắt lưng của người lớn. Người dân địa phương nói rằng, nước lũ cao gấp 2-3 lần so với những năm trước. 

Những năm gần đây, không phải ngẫu nhiên mà thảm họa lũ lụt quy mô lớn đã xảy ra nhiều nơi ở châu Á. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Rhode Island (URI), Mỹ đã sử dụng vệ tinh nhân tạo để đo tốc độ sụt lún mặt đất của 99 thành phố trên toàn cầu trong giai đoạn 2015-2020. Kết quả cho thấy trong số 20 thành phố hàng đầu có 17 thành phố ở châu Á. Tốc độ sụt lún nhanh nhất là Thiên Tân, mỗi năm hơn 52 mm, các thành phố chủ chốt của Đông Nam Á như Jakarta (34 mm), Bangkok (17 mm)… cũng ở mức rất cao.  

Phó Giáo sư Matt Wei của Đại học Rhode Island đưa ra cảnh báo nhấn mạnh, nếu không áp dụng đối sách, thời gian bị ngập lụt quy mô lớn của rất nhiều khu vực sẽ nhanh hơn so với dự kiến. Chịu ảnh hưởng của toàn cầu nóng lên, mỗi năm mực nước biển dâng hơn 2 mm, tốc độ sụt lún của mặt đất sẽ nhanh hơn 5-10 lần.

Mặt đất sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức phục vụ cho sinh hoạt và công nghiệp gây nên trong bối cảnh tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh. Rất nhiều thành phố lớn của châu Á vốn nằm ở những khu vực trũng thấp ven biển hoặc cửa sông, mặc dù mỗi năm chỉ sụt lún vài mm, nhưng nếu bỏ mặc không quan tâm thì tổn thất do lũ lụt gây ra sẽ ngày càng lớn.  

Việc khai thác cát quá mức ở các con sông cũng được chỉ ra là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt đất sụt lún. Giám đốc Cơ quan phát triển công nghệ không gian và thông tin địa lý Thái Lan (GISTDA) nhấn mạnh, nếu không xác định rõ nguyên nhân sụt lún mặt đất và áp dụng các đối sách có hiệu quả, thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trên 60% diện tích của Jakarta đã thấp hơn mực nước biển, được gọi là “khu vực 0 m”. Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, nếu không áp dụng các biện pháp cần thiết, đến năm 2025, phía Bắc thủ đô Jakarta sẽ thấp hơn mực nước biển từ 4-5 m. 

Càng là các nước thu nhập thấp có tình hình chính trị không ổn định thì càng mong manh khi đối diện với lũ lụt. Theo báo cáo do chuyên gia kinh tế trưởng của WB công bố vào tháng Sáu năm nay, hơn 1,8 tỷ dân số trên thế giới đối diện với rủi ro thảm họa lũ lụt, trong đó khoảng 1,24 tỷ người (khoảng 70%) tập trung ở khu vực Nam Á và Đông Á.   

Bên cạnh đó, tổn thất kinh tế cũng nghiêm trọng dần qua từng năm. Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mức thiệt hại của các thảm họa liên quan đến thời tiết như lũ lụt và mưa lớn… trong giai đoạn 2010-2018 là 1.381 tỷ USD, tăng gần gấp 5 lần so với giai đoạn 2000-2009.  

Tháng Sáu năm nay, khoảng 1/3 diện tích của Pakistan chìm trong nước lụt, 33 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại 40 tỷ USD, trở thành thảm họa “lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử”. Các nước như Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ cũng do lượng mưa chưa từng có trong vài thập kỷ qua khiến hơn 100 người tử vong. WB phân tích nhấn mạnh, nếu thảm họa xảy ra ở những khu vực nghèo khó nằm ngoài khả năng hỗ trợ tái thiết, thì ảnh hưởng sẽ kéo dài.  

Các công cụ chính sách có hiệu quả trong việc kiểm soát sụt lún đất. Trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh giai đoạn 1950-1970, Tokyo liên tục bị sụt lún và tốc độ sụt lún cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Có khu vực mỗi năm sụt lún hơn 20 cm, song thông qua việc hạn chế khai thác nước ngầm bằng cách luật hóa, Tokyo đã gần như kiểm soát được tình trạng sụt lún mặt đất.

Để giảm nhẹ rủi ro, một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng biện pháp mạnh. Indonesia sẽ dời thủ đô đến thành phố mới Nusantara thuộc tỉnh Đông Kalimantan nằm ở phía Đông đảo Borneo kể từ năm 2024. Một trong những lý do di chuyển thủ đô là mặt đất của thủ đô Jakarta hiện nay bị sụt lún nghiêm trọng.  

Châu Á muốn thực hiện phát triển bền vững, thì nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là ngăn chặn tình trạng sụt lún mặt đất, xây dựng các thành phố chống lũ lụt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục