Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư (Phần 3)

07:25' - 10/01/2019
BNEWS Nếu EU có một hệ thống dựa trên các quy tắc, điều này sẽ đồng nghĩa với việc duy trì một sự phân biệt rõ ràng giữa người tị nạn và người di cư đầy tham vọng.
Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư. Ảnh: AFP/TTXVN 

Và vì châu Âu là một điểm đến hấp dẫn đối với người nghèo, một chính sách tị nạn bền vững của châu Âu cũng sẽ cần phân biệt giữa những người tị nạn có thể tìm kiếm sự an toàn ở gần quê nhà hơn và những người chắc chắn cần phải chuyển đến châu Âu. Để trở nên bền vững, chính sách tị nạn của châu Âu cần phải giải quyết 5 câu hỏi chính. 

Thứ nhất, các quyết định về vấn đề tị nạn nên được đưa ra như thế nào? Chính sách của EU về việc phân biệt người tị nạn và người di cư đầy tham vọng phải nhất quán về thời gian và không gian.

Sự rời rạc và không thể dự đoán trước làm xói mòn niềm tin của người dân, khích lệ người di cư hướng về các nước với tiêu chuẩn tị nạn ít khắt khe nhất, và góp phần vào những kết quả tùy hứng và không công bằng cho người tị nạn. 

Mặc dù sự nhất quán về địa lý là mục tiêu cốt lõi của CEAS, nhưng nó đã bị hiểu sai khi chỉ đề cập đến các tiêu chuẩn chung cho việc cấp phép tị nạn ở các tòa án châu Âu. Điều này bỏ qua một khía cạnh quan trọng hơn nhiều về sự nhất quán địa lý.

Đó là kết quả của một quyết định về xin tị nạn (hoặc thị thực di cư khác) nên đồng nhất bất kể người tị nạn nộp đơn xin ở trong nước xuất xứ của họ, một nơi trú ẩn an toàn trong khu vực, một nước quá cảnh, hay EU.

Hiện nay, điều này không còn đúng nữa. Hoạt động buôn người sẽ tiếp tục phát triển mạnh chừng nào mà việc đi đến đất châu Âu còn làm tăng đáng kể các cơ hội được định cư ở châu Âu của một người.

Thứ hai, các quyết định về vấn đề tị nạn nên được đưa ra ở đâu? Vẫn nên sẵn có việc ra quyết định đối với các trường hợp xin tị nạn ở bên trong EU, và quả thật tiến trình này nên được đơn giản hóa và tăng tốc đáng kể.

Nhưng điều hợp lý là phần lớn thủ tục xin tị nạn và di cư được thực hiện ở bên ngoài châu Âu, do đó giảm bớt việc người ta cần phải dấn thân vào những hành trình nguy hiểm.

Mạng lưới tòa lãnh sự và đại sứ quán không đâu sánh bằng của châu Âu nên được trao quyền hoạt động dưới thẩm quyền của châu Âu ở cả các nước trú ẩn lẫn các nước xuất xứ của người di cư. Tuy nhiên, các quyết định này không nên tập trung vào các nước hiện đang được sử dụng để quá cảnh, như Libya. Libya không phải một nước trú ẩn, và không nên xúi giục người dân đến đây.

Việc tạo ra các trung tâm xử lý ở đây, như một số nước EU đề xuất, có nguy cơ dẫn đến cả các kết quả phi nhân đạo lẫn thu hút thêm nhiều người. 

Thứ ba, trách nhiệm nên được chia sẻ như thế nào? Châu Âu cũng sẽ cần phải cải cách hệ thống phân bổ người tị nạn trong EU của họ.

Quy chế Dublin rõ ràng không công bằng. Một hệ thống bền vững đòi hỏi một sự phân biệt rõ ràng giữa trách nhiệm đánh giá một đơn xin – mà có thể được thực hiện bởi bất kể đại sứ quán hay tòa lãnh sự nào mà một người xin tị nạn lựa chọn sử dụng (hoặc trong vùng lãnh thổ châu Âu đầu tiên mà một người đến) – và trách nhiệm đối với khu định cư và việc hội nhập người tị nạn đã được chấp nhận đơn xin. Người tị nạn nên được phân bổ khắp các nước thành viên EU dựa trên các tiêu chuẩn được nhất trí chung.

Các nước châu Âu có lịch sử, nhân khẩu học và mức độ đa dạng khác nhau, điều có thể khiến khó đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp miễn là các tiêu chuẩn phân bổ tôn trọng sở thích của công dân. Chẳng hạn, một hệ thống ghép cặp theo sở thích có thể được sử dụng để kết nối các điểm đến ưa thích của người tị nạn với các nước và cộng đồng sẵn lòng hoan nghênh họ.

Cách tiếp cận này có thể góp phần vào sự bền vững vì nó tôn trọng cả sở thích của công dân lẫn của người tị nạn trong khi dẫn đến một sự phân bổ công bằng của điều nên là số lượng nhỏ người tị nạn. Tuy nhiên, một khi đã được ghép cặp, người tị nạn nên ở lại đất nước họ được chỉ định.

Hiệp ước Schengen, xóa bỏ phần lớn biên giới bên trong châu Âu, có ý định trao các quyền di chuyển không hạn chế mang tính có đi có lại cho công dân châu Âu, chứ không phải cho người tị nạn hay người di cư tạm thời.

Việc thực thi điều khoản này không cần phải đòi hỏi các cuộc kiểm tra biên giới miễn là có các biện pháp kiểm soát hiệu quả đối với việc tiếp cận việc làm, phúc lợi và dịch vụ công.

Đối với những người di cư đang sống ở châu Âu nhưng vẫn chưa nhận được quyết định cấp quyền tị nạn, thì các đơn yêu cầu nên do các nước họ đang sống đánh giá – miễn là có các tiêu chuẩn chung cho việc quyết định các đơn yêu cầu, người di cư không cần thiết phải di chuyển giữa các nước.

Điều này nên đi cùng với sự hỗ trợ về mặt tài chính của EU cho các nước tuyến đầu như Hy Lạp và Italy, nơi có rất nhiều người xin tị nạn chưa được xử lý đơn yêu cầu sinh sống.

Thứ tư, châu Âu nên đối phó như thế nào với những con tàu vẫn đang nỗ lực vượt Địa Trung Hải? Dĩ nhiên, EU chắc chắn phải cam kết bảo vệ những sinh mạng ở trên biển. Nhưng ngoài ra, họ phải thiết lập các thủ tục rõ ràng về nơi tiếp nhận người di cư sau khi các con tàu chở người di cư bị chặn lại hoặc người di cư được giải cứu ở trên biển.

Các điểm tiếp nhận người di cư – những nơi người di cư có thể ở trong khi đơn xin tị nạn đang được xử lý – nên ở gần châu Âu, nhưng bản thân chúng không nên là một điểm đến tiềm năng. Một địa điểm đáp ứng các tiêu chuẩn này là Malta, mặc dù có nhiều hòn đảo khác ở Địa Trung Hải cũng có thể có hiệu quả.

Như với các nước tuyến đầu, Malta và các hòn đảo khác nên được bù đắp về tài chính cho việc đóng vai trò là các điểm tiếp nhận người di cư. Để hợp tác, họ sẽ cần những đảm bảo từ EU rằng các đơn xin sẽ được quyết định nhanh chóng và những người nộp đơn không thành công sẽ bị trả lại.

Ban đầu, có thể cần phải hỗ trợ những đảm bảo này với một thủ tục mặc định, như là chuyển giao cho một nước trú ẩn an toàn thay thế trong các trường hợp không đạt được quyết định nào sau một giai đoạn nhất định.

Thứ năm, bằng cách nào châu Âu có thể khiến việc đưa trở lại người xin tị nạn có tác dụng? Châu Âu cũng cần phải phát triển một cơ chế hiệu quả và nhân đạo cho việc đưa trở lại những người nộp đơn xin tị nạn thất bại, hoặc đến một nước trú ẩn trong khu vực (đối với những người có thể nhận được sự bảo vệ hiệu quả ở đây) hoặc đến nước xuất xứ của họ (đối với những người được xác định là người di cư đầy tham vọng).

Hiện nay, tỷ lệ trục xuất người xin tị nạn thất bại là ở mức thấp, và những người xin tị nạn bị từ chối rất dễ dàng biến mất vào nền kinh tế không chính thức. 

Hệ thống này, mà theo đó các quyết định về xin tị nạn chính thức trên thực tế bị phớt lờ, là không bền vững, bất hợp pháp, và là một sự phá hoại pháp trị. Để cải cách nó, châu Âu sẽ phải giảm bớt tình trạng biến mất. Tuy nhiên, họ không nên làm điều này thông qua các chính sách giam giữ khắc nghiệt.

Thay vào đó, chứng minh thư và thông tin sinh trắc học, do các nhà tuyển dụng và cơ quan phúc lợi kiểm soát, có thể giúp nhận diện người di cư trái phép. Và các nước mà ở đó hiện họ dễ dàng biến mất, như là Italy, sẽ cần phải nâng các tiêu chuẩn về tính minh bạch và thực thi luật lệ của mình.

Nhưng cũng có thể có những lựa chọn thay thế mang tính đổi mới. Đối với các trường hợp khó khăn mà ở đó không sẵn có các thỏa thuận nước thứ ba, những đảm bảo về ngoại giao, hay các hệ thống nhận diện quốc tịch, một khả năng sẽ là xác định một nhóm các nước thứ ba tự nguyện sẵn sàng tham gia một nhóm các tuyến đường di cư lao động thay thế.

Đối với các nước có nhu cầu về di cư lao động, những người xin tị nạn bị từ chối có thể có lựa chọn bày tỏ sở thích giữa việc tham gia các nước điểm đến thay thế, trong khi tương tự các nước tham gia đó cũng có thể xếp hạng ưu tiên đối với hồ sơ của những người di cư trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục