Châu Âu hủy hơn 15.000 chuyến bay trong tháng 8/2022

16:27' - 13/07/2022
BNEWS Các sân bay châu Âu tiếp tục phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn khi cảnh tượng hành khách ùn tắc, xếp hàng dài nhốn nháo do không thể bay được diễn ra hàng ngày.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn số liệu mới nhất của Công ty phân tích chuyến bay toàn cầu Citrium, cho biết các hãng hàng không đã buộc phải thông báo hủy 25.378 chuyến bay trong lịch trình tháng 8/2022, trong đó có 15.788 chuyến ở châu Âu do tình trạng thiếu nhân viên và đình công.

 

Theo Citrium, nhiều hãng hàng không và sân bay đang phải vật lộn không chỉ do thiếu nhân viên, mà các cuộc đình công đòi tăng lương diễn ra trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao khiến đời sống gặp khó khăn.

Cirium cho biết Turkish Airlines là hãng hàng không có số lượng chuyến bay bị hủy lớn nhất ở châu Âu với 4.408 chuyến, tiếp đó là British Airways (3.600 chuyến), easyJet (2.045 chuyến), Lufthansa (1.888 chuyến) và Wizz Air (1.256 chuyến).

Tại Đức, các chuyến bay bị hủy và hoãn chuyến nhiều nhất diễn ra ở hai sân bay Düsseldorf và Cologne - Bonn, ở bang Nordrhein-Westfalen. Một số du khách cho biết họ phải đến sân bay sớm hơn 8 tiếng để xếp hàng và làm thủ tục đăng ký.

Trong khi đó, tại sân bay quốc tế Fraport ở Frankfurt, hơn 200 chuyến bay đã bị hủy cuối tuần qua để giải tỏa tình trạng hành khách hỗn loạn mất kiểm soát.

Nhà điều hành tại sân bay lớn nhất của Đức cho biết bất chấp một số chuyến bay phải hủy vào phút chót, tình trạng chậm trễ, đặc biệt là khi làm thủ tục và gửi hành lý cho hành khách vẫn bị ùn ứ do không có nhân viên.

Những hàng người kéo dài chen lấn xô đẩy cũng xảy ra ở cả cửa kiểm soát an ninh, cửa khởi hành, đến và nhận hành lý. Một phát ngôn viên của sân bay Fraport đã mô tả tình hình cuối tuần là “mệt mỏi và căng thẳng”.

Tờ “The Local” của Đức đưa tin các sân bay và hãng hàng không nước này sẽ tiếp tục phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân viên lớn sau khi một phần trong lực lượng nhân lực bị sa thải hoặc nghỉ việc trong đợt đại dịch COVID-19.

Đó là chưa kể, số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại trong những ngày qua tại Đức, khiến nhiều nhân viên mắc phải nghỉ ốm và cách ly theo quy định.

Chính phủ Đức đã phải nới lỏng một số quy định cho phép các công ty tư nhân tuyển dụng lao động tạm thời từ nước ngoài nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Tuy nhiên, sẽ phải mất một số tuần để người lao động được tuyển dụng và đào tạo.

Theo thống kê, chỉ riêng sân bay Fraport, đã có khoảng 4.000 việc làm bị cắt giảm trong thời gian đại dịch COVID-19. Nhà điều hành hy vọng có thể tuyển dụng 1.000 vị trí trong năm nay, trong đó có tuyển dụng lao động nước ngoài tạm thời vào mùa Hè này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục