Chế biến, chế tạo giữ vị thế trụ cột ngành công nghiệp

18:06' - 31/03/2018
BNEWS Trong quý I năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ các năm gần đây.
Chế biến, chế tạo giữ vị thế trụ cột ngành công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, tính chung quý I năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ các năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%, giữ vị trí trụ cột của ngành công nghiệp. 

Sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2018 ước tính tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,1%; khai khoáng giảm 3,6%. 

Trong con số tăng trưởng chung của ngành chế biến chế tạo, với trụ cột chính là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất kim loại, đã đóng góp 10,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định ở mức 10,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 0,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. 

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Đó là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 29,3%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 22,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,9%; sản xuất kim loại tăng 14%; dệt tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,8%. 

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ tăng 0,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 0,5% (khai thác dầu thô giảm 7,9% và khai thác khí đốt tự nhiên tăng 7,5%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,4%. 

Trong Quý I/2018, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/3/2018, ước tính tăng 6,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,5% so cùng thời điểm năm trước. 

Riêng với ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sản lượng sản xuất và bán hàng của ngành những tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm trước, ở mức gần 30%; thị trường xuất khẩu tốt, tăng gần 40% về lượng và khoảng 60% về giá trị. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù chưa có con số chính thức về sản lượng điện cả Quý I/2018, song tính riêng sản lượng điện thương phẩm trong 2 tháng đầu năm 2018 của EVN ước đạt 28,11 tỷ kWh và tăng 12,02% so cùng kỳ năm trước; trong đó, điện cấp cho công nghiệp chiếm tỷ trọng 54,5% tổng sản lượng. 

Kỳ vọng lớn 

Trong cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý ngành chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, bao gồm 6.500 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tới 89,6% số doanh nghiệp lạc quan, dự báo quý II/2018, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên và giữ nguyên, chỉ có 10,4% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. 

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tính cạnh tranh của hàng trong nước vẫn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn thấp; khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn cao, thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị công nghệ lạc hậu… cũng là những yếu tố được đánh giá sẽ gây khó cho doanh nghiệp. 

Khảo sát cũng cho thấy, có tới hơn 90% số doanh nghiệp dự báo, khối lượng sản xuất sẽ tăng, đơn đặt hàng mới sẽ khả quan hơn (bao gồm cả xuất khẩu). Các ngành có dự báo khả quan sản xuất và tiêu thụ gồm: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại;… 

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, với con số 11,6%, đây là mức tăng khả quan, thể hiện sự tăng tiến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất của khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì rõ ràng, các biện pháp hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp thông qua cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục theo hướng hiện đại, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế đang và sẽ phát huy tác dụng; đi vào cuộc sống. 

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách, cùng với việc hội nhập mạnh mẽ, do vậy, triển vọng phát triển của các doanh nghiệp sẽ là rất sáng, đại diện Hanoisme cho biết thêm. 

Cũng theo ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Thủ tướng đã có Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đây sẽ là cơ sở để ngành cơ khí có thể định hướng phát triển hơn trong thời gian dài hơi. Trong thời gian tới, nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA), hay như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa ký kết… Đây sẽ là cơ hội cho ngành cơ khí và nhiều ngành khác đạt được bước tiến mới…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục