Chiến thắng của phe đối lập tác động gì tới kinh tế Malaysia?

05:30' - 19/05/2018
BNEWS 15 năm sau khi rời nhiệm sở, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã trở lại nắm quyền và đi vào lịch sử Malaysia với tư cách chính trị gia duy nhất tới nay có hai lần làm Thủ tướng.
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa). Ảnh: THX/TTXVN

Sau chiến thắng vang dội của Liên minh Hi vọng (PH) đối lập nhằm chấm dứt 61 năm cầm quyền liên tục của Mặt trận Quốc gia (BN) tại cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần thứ 14 vào ngày 9/5 vừa qua, điều mà nhiều người quan tâm là cơn chấn động chính trị đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế Malaysia?
Năm 2017, kinh tế Malaysia đã hồi phục mạnh mẽ và đạt tốc độ tăng trưởng là 5,9%. Theo dự báo của ngân hàng trung ương Malaysia, tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này sẽ dao động trong khoảng 5,5% - 6%. Vấn đề là phần lớn sự hồi phục kinh tế Malaysia là do xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp tới 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, trong bối cảnh những căng thẳng thương mại đang bao trùm kinh tế thế giới, nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu như Malaysia sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức.
Dù vậy, khi nhìn vào quá trình tranh cử của PH, hãng đánh giá tín dụng quốc tế Moody’s thấy PH thiếu đi những cam kết tranh cử chi tiết, trong khi một số cam kết tranh cử như xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) ngay trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên có thể khiến Malaysia đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn (Hiện nay, thâm hụt ngân sách của Malaysia đang ở mức khoảng 3% GDP). 
Khi tại vị, ông Najib từng công khai nói rằng việc xóa bỏ GST sẽ làm tăng nợ quốc gia thêm 416 tỷ ringgit (105 tỷ USD). Đó là chưa nói tới việc khi tranh cử PH còn cam kết khôi khục trợ cấp xăng dầu, tăng lương tối thiểu… Như vậy, nếu bỏ GST, thêm phúc lợi cho người dân mà không có biện pháp bù đắp nào khác, nền tảng ngân sách của chính phủ sẽ bị thu hẹp lại và kinh tế Malaysia sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào thu nhập từ dầu mỏ. 
Đầu tư cũng là một câu chuyện đáng chú ý. Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc) hồi đầu tháng 4/2018, ông Mahathir không ngần ngại chỉ rõ nếu như các công ty Trung Quốc hoạt động ở Malaysia thuê người bản địa, mang vốn và công nghệ tới thì họ sẽ được hoan nghênh. Nhưng tình hình hiện nay hoàn toàn không phải như vậy. 
Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu phân tích kinh tế vĩ mô độc lập Capital Economics Ltd., nếu (chính quyền PH) chĩa mũi nhọn vào sự can dự của Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Malaysia, dẫn tới sự ngưng trệ của những dự án liên quan, nước này sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh mẽ về đầu tư.
Đối với chính sách tiền tệ, từ đầu năm tới nay, đồng ringgit của Malaysia đã tăng 2,5% so với đồng USD, được đánh giá là đồng tiền có biểu hiện tốt nhất trong số những thị trường mới nổi ở châu Á. Mặc dù tuần tới thị trường tài chính Malaysia mới mở cửa trở lại sau những ngày nghỉ sau bầu cử, nhưng giao dịch bên ngoài biên giới nước này cho thấy đồng ringgit đang đứng trước áp lực mất giá rất lớn.

Và điều mà các nhà đầu tư mong muốn và cũng nhằm đảm bảo kiểm soát tốt dòng chảy của vốn là chính quyền mới ở Malaysia cần đảm bảo tính liên tục của chính sách tiền tệ. Trong một phát biểu được hãng tin Bloomberg dẫn lời, chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin thuộc Trung tâm nghiên cứu Maybank Kim Eng ở Singapore cho rằng ngân hàng trung ương Malaysia cần phải có sự độc lập đủ để chính sách không bị thay đổi.
Các thị trường chứng khoán và thị trường tài chính Malaysia đang trong kỳ nghỉ sau bầu cử, trong khi người dân Malaysia vui mừng với kết quả bầu cử. Nhưng theo trưởng bộ phận chiến lược thị trường thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia ở Singapore, đối với các nhà đầu tư quốc tế, điều đó có nghĩa họ phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn.

Dường như cảm nhận được nỗi bất an đó, trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng vào tối 10/5, ông Mahathir cho biết chính phủ mới sẽ nỗ lực hết sức để giữ ổn định đồng ringgit và mong muốn thông qua các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng kinh tế Malaysia. 
“Chúng tôi hy vọng nhìn thấy sự náo nhiệt trên thị trường chứng khoán và sẽ có thêm nhiều vốn rót vào thị trường chứng khoán. Hy vọng rằng chúng tôi có thể làm được. Chúng tôi có rất nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính, đương nhiên, tôi không phải là chuyên gia trên lĩnh vực này, nhưng tôi là người biết lắng nghe, sẽ nghe ý kiến của họ”, ông Mahathir cho biết thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục