Chiến tuyến mới giữa Trung Quốc và phương Tây

06:30' - 22/05/2021
BNEWS Trong những năm gần đây, thị trường điện toán đám mây của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và hiện đang xếp hạng là thị trường lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Cuối năm 2020, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Saudi Arabia là Saudi Telecom đã công bố mối quan hệ đối tác với Alibaba Cloud của Trung Quốc để giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây của mình.

Đây là thỏa thuận mới nhất trong một loạt các thỏa thuận của các công ty Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận mảng điện toán đám mây ra nước ngoài, và cũng là một phần trong những tham vọng lớn hơn của Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ cao.

Justin Sherman, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: "Đây là điều mà chúng ta sẽ thấy nhiều hơn trong những năm tới. Mức độ đầu tư trong và ngoài nước của Trung Quốc đang biến nước này thành "gã khổng lồ" trong cuộc đua giành quyền bá chủ công nghệ đám mây".

Tuy nhiên, tác động từ những căng thẳng thương mại gần đây với Mỹ, những bất ổn về địa chính trị và thị trường nội địa tương đối thiếu kinh nghiệm đều có thể cản trở tham vọng của Bắc Kinh.

Theo nhóm nghiên cứu Canalys, trong những năm gần đây, thị trường điện toán đám mây của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và hiện đang xếp hạng là thị trường lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Chi tiêu của người dùng trên nền tảng đám mây tại quốc gia này đạt 19 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ ngưỡng 11,5 tỷ USD của năm trước. Blake Murray, chuyên gia phân tích của Canalys cho biết: "Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng cao và lĩnh vực điện toán đám mây cũng vậy".

Canalys phân tính, mặc dù 19 tỷ USD trên chỉ chiếm 13% tổng chi tiêu trên nền tảng đám mây toàn cầu vào năm 2020, nhưng tỷ lệ này đã tăng 3 điểm phần trăm so với mức của năm 2019. Ngược lại, thị phần của Mỹ, thị trường số một thế giới, lại giảm hai điểm phần trăm xuống còn 46%.

Kenneth G Hartman, chuyên gia tư vấn độc lập về bảo mật, nói: "Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc có thể không tăng trưởng mạnh như Amazon Web Services, nhưng họ đang đạt tốc độ nhanh chóng".

Các nhà cung cấp này đã được Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ thúc đẩy phát triển các dịch vụ điện toán đám mây tại thị trường trong nước như một phần của nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số mà Trung Quốc đã đề ra. Tháng 5/2020 trong một kế hoạch nâng cấp đầu tư "cơ sở hạ tầng mới", Bắc Kinh cho biết sẽ phân bổ 1,4 tỷ USD cho các nền tảng công nghệ.

Winston Ma, tác giả cuốn sách "Cuộc chiến kỹ thuật số - Sức mạnh công nghệ của Trung Quốc định hình tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và Không gian mạng", cho hay: "Khái niệm cơ sở hạ tầng mới này rất lớn. Khái niệm này tương đương với các khoản đầu tư năm 2007 của Trung Quốc vào đường sắt và đường sắt cao tốc như một phương tiện kích thích nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng".

Các công ty đã được hưởng lợi từ tham vọng đám mây của Trung Quốc bao gồm Alibaba Cloud, Tencent Cloud và Baidu Wangpan. Trong khi đó, các công ty nước ngoài phần lớn gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Wenhong Chen, Phó Giáo sư nghiên cứu truyền thông và xã hội học tại Đại học Texas, giải thích, luật ưu tiên các công ty Trung Quốc khiến các đối thủ như Amazon và Google khó thâm nhập thị trường, mặc dù các tập đoàn này đã rất nỗ lực tìm cách có chỗ đứng tại thị trường này.

Các chính sách bảo hộ của cả Mỹ và Trung Quốc chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia. Phó Giáo sư Chen nói: "Các chính sách và thực tiễn về điện toán đám mây đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ song phương Mỹ-Trung. Tranh chấp thực sự là về việc ai sẽ phát triển thế hệ công nghệ tiên tiến tiếp theo".

Bắc Kinh hiện có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra ngoài biên giới quốc gia, bằng cách tìm kiếm các giao dịch đám mây ở Đông Nam Á, châu Phi, châu Úc, châu Âu và Mỹ.

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc có thể làm được điều này bằng cách cạnh tranh về giá, vốn là yếu tố chính ở châu Âu và châu Úc, đồng thời kinh doanh dựa trên những điểm tương đồng về văn hóa, vốn là điều quan trọng đối với khách hàng ở Đông Nam Á.

Ông Ma cho biết, việc mở rộng này là một phần quan trọng của sáng kiến "Vành đai và Con đường", một dự án của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở 70 quốc gia và là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông nhận định: "Điện toán đám mây có thể số hóa các quốc gia dọc Vành đai và Con đường, tạo ra các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc".

Điều này cũng cho phép Trung Quốc thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp liên quan đến điện toán đám mây ở nhiều quốc gia, có khả năng gây ảnh hưởng đến các quy tắc quốc tế trong tương lai, nếu các quy tắc đó được dựa trên các thông lệ toàn cầu được sử dụng rộng rãi về chia sẻ đám mây và bảo vệ dữ liệu. Ông Ma cho rằng: "Những tác động này là rất lớn".

Tuy nhiên, các kế hoạch của Trung Quốc đã vấp phải sự phản kháng ngày càng tăng. Tháng 8/2020, ông Mike Pompeo, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ, đã đe dọa xử phạt rộng rãi các công ty công nghệ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu của Mỹ, bao gồm cả giới hạn đối với các nhóm điện toán đám mây có thể hoạt động trên đất Mỹ. Ông cũng khuyến khích các quốc gia khác tẩy chay các công ty công nghệ của Bắc Kinh.

Ngoài ra, mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã dẫn đến việc New Delhi liệt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen và hạn chế đầu tư liên quan đến điện toán đám mây.

Chính phủ Ấn Độ muốn thúc đẩy các công ty trong nước và phát triển công nghệ đám mây của riêng mình. Chuyên gia Sherman nói rằng Ấn Độ và các nước tiểu lục địa khác cũng coi sự bành trướng này của Trung Quốc là chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số.

Tuy nhiên, ngay cả với những trở ngại này, các "cuộc xâm nhập" của Trung Quốc vào Singapore, Mỹ Latinh và các quốc gia vùng Vịnh vẫn có thể tiếp tục trong thời gian tới. Ông Chen cho rằng Trung Quốc đã rất tham vọng khi nói đến điện toán đám mây, lĩnh vực mà nước này coi là tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục