Chủ động đối phó thách thức từ TPP

05:46' - 16/10/2015
BNEWS Tham gia vào TPP, bên cạnh những cơ hội về thị trường và ưu đãi thuế, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong kinh tế và thương mại.
Đàm phán TPP đã trải qua hơn 20 vòng đàm phán trước khi đi đến kết thúc

vào tuần đầu tháng 10/2015 tại Atlanta, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Thách thức đầu tiên phải kể đến là tác động của điều khoản quy tắc xuất xứ hàng hóa. So với các FTA trước đây, TPP đã có bước cải tiến đáng kể khi áp dụng quy định “cộng gộp” để các nguyên liệu đầu vào từ một bên TPP được đối xử như những nguyên liệu từ một bên khác nếu được sử dụng để sản xuất ra một sản phẩm tại bất kỳ một bên TPP.

Tuy nhiên, những yêu cầu về chứng minh quy tắc xuất xứ vẫn là một thách đố đối với Việt Nam do tình trạng hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và các sản phẩm trung gian.

Đơn cử với dệt may, 60 – 90% nguyên liệu của mặt hàng này được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Do vậy, phần lớn hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam hiện không đạt được đủ tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi về thuế. 

Thách thức thứ hai bắt nguồn từ chính cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan trong nội khối TPP. Việc giảm thuế đối với các quốc gia thành viên TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đối mặt với thách thức này, ngành nông sản sẽ là ngành phải chịu tổn thất nhiều nhất.

Nông sản sẽ là một trong những ngành sản xuất của Việt Nam chịu tác động nhiều nhất từ Hiệp định TPP.

Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Do các quốc gia tốp đầu trong TPP như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand đều là những cường quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi trên thế giới. Việc xóa bỏ thuế quan sẽ khiến hàng hóa của các quốc gia này có cơ hội xâm nhập vào thị trường các nước ít có lợi thế hơn về lĩnh vực này, trong đó có Việt Nam.

Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt tại hầu hết các sản phẩm lúa, gạo, mía, đường hay các sản phẩm thịt lợn, gà, bò... ngoại nhập.

Một thách thức nữa thuộc về các quy định liên quan tới doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước được xác định là các doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác.

Doanh nghiệp Nhà nước trong TPP được phép tiến hành các hoạt động thương mại trên cơ sở tính toán thương mại trong cung cấp các dịch vụ công, nhưng phải đảm bảo tính công bằng với các doanh nghiệp tư nhân và không có những hoạt động phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tất cả các khoản trợ cấp hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp dành cho các doanh nghiệp Nhà nước đều phải công khai hóa và minh bạch hóa, nếu vi phạm quy định sẽ phải bồi thường theo điều khoản hiệp định quy định.

Theo quy tắc của TPP, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, đảm bảo công khai hóa và minh bạch hóa trong kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Nhập cuộc TPP

Lưu ý bài học Việt Nam sau 8 năm gia nhập WTO, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết.

Cụ thể, Việt Nam mở cửa mạnh hơn nhưng cạnh tranh gay gắt hơn với những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, Việt Nam có trình độ đi sau so với 11 quốc gia còn lại. Nhưng cơ hội lớn là sẽ có thị trường rộng lớn với 800 triệu dân; trong đó có những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam.

Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi.

Tuy nhiên, vị thứ trưởng này cũng thừa nhận: Việt Nam sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ một số mặt hàng nếu vẫn duy trì cách quản lý, chất lượng sản phẩm như hiện nay, chẳng hạn như chăn nuôi hộ. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không linh hoạt sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Nông sản Việt Nam cần nâng cao trình độ quản lý và đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, đáp ứng các quy chuẩn quốc tế trong nuôi trồng để đảm bảo khả năng cạnh tranh khi gia nhập TPP.  Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhìn nhận trình độ chăn nuôi các nước như Canada, Australia, Mỹ… phát triển hơn Việt Nam rất nhiều.

Cục Chăn nuôi cũng đã nhận biết được tình hình và đang đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, sau doanh nghiệp là các hợp tác xã, hộ chăn nuôi để khắc phục những điểm yếu của ngành chăn nuôi hiện nay.

Khẳng định quyết tâm của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng “Nếu coi TPP là “liều thuốc” thử cho tái cơ cấu nông nghiệp mà cả guồng máy quản lý, nông dân và doanh nghiệp không cải cách trong bộ máy, hệ thống quản lý thì sẽ dễ thua trên sân nhà”.

Việt Nam sẵn sàng bước chân vào sân chơi mới TPP. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực lưu ý Việt Nam cần linh hoạt hơn, ứng biến hơn trong bối cảnh mới như vấn đề xử lý nợ xấu. Thực hiện TPP sẽ có nhiều sự quan tâm hơn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy Việt Nam phải có cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia các nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hoặc các nhà đầu tư trở thành cổ đông chiến lược hoặc tư vấn trở lại cho các định chế tài chính của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tú Anh – Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô-Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trách nhiệm của nhà nước khi đó phải rõ ràng minh bạch hơn và buộc phải chịu trách nhiệm nếu đưa ra quyết định chính sách làm thiệt hại tới doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điều này còn đòi hỏi cán bộ cơ quan nhà nước có trình độ tư pháp tốt, đội ngũ luật sư đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi đất nước trước các vụ kiện./.

Thu Hạnh – Diệu Linh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục